29/10/2016 18:01
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng trên diễn ra đối với các hộ sử dụng giống lúa mới BC15 và TBR225. Hai loại giống lúa này được lấy từ nhiều nguồn, có hộ lấy lại giống của vụ trước đã trồng mô hình trình diễn đạt năng suất cao; có hộ mua từ các đại lý vật tư nông nghiệp và cũng có hộ đăng ký với Hội Nông dân xã, phường sau đó Hội nộp danh sách, nhu cầu lên Trạm Khuyến nông thành phố Kon Tum lấy từ Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình (tỉnh Thái Bình).
Tìm hiểu thực tế tại cánh đồng Đoàn Kết, chúng tôi nhận thấy một số diện tích lúa bị lép, đổ ngã người dân buồn chưa thu hoạch. Ông Nguyễn Đen (thôn 5 xã Đoàn Kết), người đã có mấy chục năm kinh nghiệm trồng lúa cho biết, ông cũng không hiểu vì sao toàn bộ diện tích trồng giống lúa BC15 đều bị lép, có được hạt thì hạt cũng không căng tròn. Điều đáng nói là chỉ diện tích trồng giống lúa này mới bị tình trạng hạt lép, các giống lúa khác không bị.
|
Thăm gia đình anh Nguyễn Hồng Dũng và chị Trần Thị Kim Ánh (thôn 5 xã Đoàn Kết), nhìn hai vợ chồng buồn so, sầu tư, chúng tôi hiểu được nỗi lòng và lo lắng của gia đình. Không lo sao được, gia đình làm nông, đến mùa trông cả vào mấy sào lúa để ăn, trang trải cuộc sống. Sau bao tháng vất vả chăm sóc 6 sào ruộng lúa, nhưng đến ngày thu thì một nửa diện tích gần như mất trắng.
Anh Dũng rầu rĩ: Vụ mùa năm nay nhà tôi thuê thêm đất trồng tổng cộng 6 sào, trong đó có 3 sào trồng giống lúa mới TBR225 được lấy từ người chị trồng mô hình vụ đông đạt năng suất. Thế nhưng không hiểu sao trong suốt thời kỳ sinh trưởng, cây lúa phát triển rất tốt, đến khi trổ bông một thời gian, tôi phát hiện có tình trạng cắn cổ gié nên tôi phun tiếp một lần thuốc nữa nhưng cũng không khỏi. Đến nay thu hoạch 3 sào giống lúa này chỉ được chưa đầy 2 tạ, trong khi đó, các giống lúa khác đạt khoảng 7-8 tạ/sào.
Vụ mùa này, gia đình ông Phạm Liên (ở thôn 6, xã Đoàn Kết) trồng gần 2 sào lúa giống lúa BC15 và gia đình ông cũng gần như mất trắng toàn bộ diện tích lúa đã gieo trồng. Ông Liên cho biết, khi trồng ông cũng đã phòng hết các loại thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc khá kỹ nhưng khi bông lúa bắt đầu cúi thì xuất hiện tình trạng cắn cổ gié, phun thuốc cũng không trị được nên bây giờ toàn bộ diện tích giống lúa này đã hư lép hết.
Không riêng gì gia đình ông Liên, anh Dũng, tại xã Đoàn Kết còn hàng chục hộ dân khác cũng mất mùa trên diện tích trồng giống lúa BC15 và TBR225.
|
Cũng nằm trong cảnh ngộ như người dân ở Đoàn Kết, tại phường Nguyễn Trãi, nhiều hộ gia đình trồng giống lúa TBR225 và BC15 cũng bị tình trạng lúa lép, năng suất giảm rất nhiều.
Ông Trần Cúc (tổ 1, phường Nguyễn Trãi) cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi vừa ruộng nhà vừa mướn thêm đất trồng được hơn 3 sào. Mình cũng canh tác, bón phân, phun thuốc đầy đủ nhưng vẫn bị, mình không hiểu cái bệnh đó là nó như thế nào.
Còn ông Trần Thành (tổ 5, phường Nguyễn Trãi) bức xúc: Tình trạng lúa bị lép, bị cắn cổ gié xảy ra không chỉ với gia đình tôi, mà còn nhiều gia đình khác nữa. Có đến hàng chục hộ, gần như hộ nào vụ mùa này trồng hai giống lúa trên đều bị lép, cắn cổ gié. Nếu một hai hộ thì còn đổ lỗi do cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đằng này cả vài chục hộ đều bị thì nguyên nhân nào? Và cuối cùng người nông dân chúng tôi phải chịu hết à?
Theo thống kê, diện tích lúa bị lép hạt trên địa bàn phường Nguyễn Trãi trong vụ mùa năm nay khoảng 7ha với trên 40 hộ bị ảnh hưởng. Ngay một số cán bộ của phường Nguyễn Trãi trồng giống lúa này cũng bị tình trạng tương tự.
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Thành Cơ - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi cấy gần 4 sào giống lúa TBR225 và bị mất trên 50% sản lượng do bị lép.
Còn trên địa bàn bàn xã Đoàn Kết, đến nay vẫn chưa thống kê cụ thể số hộ cũng như diện tích lúa bị thiệt hại, tuy nhiên theo phản ánh của người dân thì cũng không ít.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội nông dân phường Nguyễn Trãi cho biết: Vụ mùa này có 5 hộ đăng ký mua giống lúa TBR225 qua Hội và Hội đã tổng hợp đưa danh sách lên Trạm Khuyến nông thành phố để lấy giống từ Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình với tổng cộng 124kg. Số người dân còn lại thì người lấy ở đại lý, người lấy lại giống từ mô hình của vụ đông xuân vừa qua. Qua nắm thông tin, hiện toàn phường có khoảng 45 hộ sử dụng giống lúa này với diện tích khoảng 7ha, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 4 tạ/sào, giảm hơn 50% so với các giống lúa khác.
Vụ đông xuân vừa qua, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình đã trồng thử nghiệm mô hình giống lúa TBR225 với diện tích 5 sào và cho năng suất 8,5 tạ/sào. Thấy năng suất đạt, nên vụ mùa năm nay một số hộ dân đã chuyển sang trồng giống lú này nhưng lại xảy ra tình trạng bị lép hạt.
Để bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân, địa phương và các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, thống kê diện tích, tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến mất mùa từ giống lúa BC15 và TBR225; đồng thời có giải pháp, biện pháp khắc phục, hỗ trợ phần nào thiệt hại cho bà con, nhằm giúp bà con nông dân yên tâm canh tác, ổn định cuộc sống.
Văn Phương