30/10/2016 14:28
Mạnh ai nấy làm?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất (Trung tâm PTQĐ) trực thuộc Sở TN&MT và thành lập 3 Trung tâm PTQĐ cấp huyện trực thuộc UBND các huyện Sa Thầy, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Các huyện còn lại chưa có đề án thành lập Trung tâm hoặc có đề án nhưng chưa thành lập được.
Tất cả các Trung tâm PTQĐ nêu trên đều hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động hoặc đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính.
Ông Trương Đạt - Phó giám đốc Sở TN&MT đánh giá: Với chức năng nhiệm vụ được giao, các trung tâm đã góp phần giải quyết nhiều khó khăn cho tỉnh trong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; khai thác, quản lý quỹ đất góp phần đảm bảo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các nhu cầu khác của địa phương; đặc biệt là khai thác quỹ đất ở, đất khu tái định cư đáp ứng kịp thời lĩnh vực xây dựng cơ bản của tỉnh, góp phần giảm bớt khiếu kiện, tranh chấp đất đai về bồi thường trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các Trung tâm PTQĐ ở hai cấp hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo bà Đặng Thị Trang - Giám đốc Trung tâm PTQĐ tỉnh, do không có đơn vị đầu mối, các trung tâm hoạt động riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm” theo cách của mình mà chưa hình thành hệ thống “một cấp” từ trên xuống dưới nên một số nhiệm vụ thực hiện còn chồng lấn; mối quan hệ, phối hợp giữa các trung tâm cấp tỉnh, cấp huyện chưa được gắn kết.
Hiện nay, Trung tâm cấp tỉnh chỉ được giao quản lý quỹ đất ít ỏi, thực hiện nhiệm vụ đấu giá quyền sử dụng đất Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla là chính; còn các trung tâm cấp huyện chỉ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng thuộc địa bàn dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực. Công tác tạo lập, phát triển quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng trên đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hầu như chưa triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ chế hoạt động giữa các trung tâm cấp huyện không thống nhất; chưa được trang bị các thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn kỹ thuật (như máy in khổ lớn, máy đo đạc, máy scan); vị trí làm việc của các trung tâm cấp huyện hầu hết được bố trí chung với các phòng, ban chuyên môn, không có kho lưu trữ... nên hoạt động của các trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là điều dễ hiểu.
Sự cần thiết của trung tâm “một cấp”
Bà Đặng Thị Trang phàn nàn: Theo Dự thảo Đề án thành lập Trung tâm PTQĐ một cấp (đã được chỉnh sửa nhiều lần), cần thành lập Trung tâm PTQĐ tỉnh và 10 chi nhánh ở 10 huyện, thành phố. Tuy nhiên đến nay chưa được thông qua, và với tình hình này, chưa biết đến khi nào Đề án mang nhiều kỳ vọng này sẽ thành hiện thực.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên nhưng đáng kể là do sự lo ngại “hụt nguồn thu” của các địa phương. Bởi trên thực tế, không phải ở đâu cũng giống nhau, khi thành một cấp, những nơi ít công trình, ít dự án giải phóng mặt bằng và khai thác quỹ đất hạn chế thì mừng, ngược lại, địa phương nào “ăn nên làm ra” về khai thác quỹ đất thì tỏ ra lo lắng vì mất cân đối nguồn thu ngân sách.
|
Bên cạnh đó, tâm lý chung của các địa phương là “chỉ xin thêm chứ không giảm bớt” về con người nên việc hợp nhất về trung tâm cấp tỉnh càng khó thực hiện. Khi hợp nhất về trung tâm cấp tỉnh, rất khó để các địa phương giao ra biên chế của huyện, trong khi cấp tỉnh không thể bố trí thêm; thậm chí, có địa phương còn mong chờ thành lập trung tâm cấp huyện để có thêm biên chế...
Dù là vậy, việc thành lập Trung tâm PTQĐ tỉnh một cấp trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị hiện có là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất và phát triển quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian trước mắt và lâu dài trên địa bàn tỉnh- bà Trang kiến nghị.
Từ thực tế các địa phương đã thành lập trung tâm PTQĐ một cấp cho thấy đây là một hướng đi đúng, đem lại hiệu quả rõ nét. Cụ thể, các trung tâm này đã trở thành đơn vị độc lập, xử lý đất đai có hiệu quả phục vụ các dự án phát triển KT-XH trên cơ sở quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Đồng thời, tạo lập, phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng, quỹ đất đã nhận chuyển nhượng, quỹ đất đã tạo lập và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.
Đặc biệt, trước áp lực của sự phát triển KT-XH, đất đai được xác định như một công cụ phát triển, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa trên cả nước. Do đó, trung tâm PTQĐ một cấp sẽ thực hiện được nhiệm vụ tạo nguồn quỹ đất cho các dự án quy mô lớn cũng như sử dụng quỹ đất thế nào cho hiệu quả đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới mang tính thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh...
Tất nhiên, việc chuyển các trung tâm cấp huyện thành các chi nhánh thuộc trung tâm một cấp là công việc khó khăn, phức tạp do thay đổi về cấp quản lý, nhân sự, cơ chế tài chính, vì vậy để trung tâm PTQĐ một cấp sớm đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm đời sống của người lao động cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành TN&MT, Tài chính, Nội vụ và UBND các huyện, thành phố...
Thành Hưng