01/11/2024 13:26
Kết thúc niên vụ mía 2023-2024, toàn tỉnh trồng mới được 543,97ha mía nguyên liệu, nâng tổng diện tích mía của toàn tỉnh lên 1.521ha; tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum và rải rác ở một số huyện như Đăk Tô, Sa Thầy, Kon Rẫy.
Theo kế hoạch của tỉnh, đến hết năm 2024, phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh đạt 2.000ha. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, tại Nghị quyết số 26-NQ/TU (ngày 22/10/2024) Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 3 tháng cuối năm 2024 đã đề ra chỉ tiêu phát triển thêm 479 ha mía.
|
Theo đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Chính phủ và tỉnh về phát triển cây mía và ngành mía đường để người dân biết. Vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất trồng các loại cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng mía, đưa giống mía mới vào trồng, áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến để cho nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tiến hành rà soát các dự án sử dụng quỹ đất đã giao, cho thuê không hiệu quả, chưa sử dụng để giới thiệu cho Công ty Cổ phần Đường Kon Tum liên kết triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 25/11/2021) của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Tiến Cường - Trưởng Phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, cho biết: Công ty áp dụng các chính sách đầu tư phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân gắn bó lâu dài với cây mía. Trong đó, thực hiện hỗ trợ 100% tiền làm công đất; hỗ trợ không hoàn lại đối với diện tích đất khai hoang, phục hóa hoặc đang trồng các loại cây khác mà chuyển sang trồng mía với định mức 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ một phần tiền công trồng, chăm sóc cây mía bằng máy và hệ thống tưới nước tự động cho các tổ chức, cá nhân liên kết trồng mía trên cánh đồng lớn. Công ty cũng khuyến khích và hỗ trợ để người dân đưa các giống mía mới có năng suất và chất lượng cao vào canh tác như KK3, KK4, CYZ08 - 1609, NSUT10-266; cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, đảm bảo cây mía sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, tạo điều kiện để người trồng mía được mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước rồi đến khi thu hoạch mới thu hồi vốn và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu với giá bảo hiểm là 850 đồng/kg trong thời gian 3 năm. Nhờ đó, những năm gần đây, diện tích trồng mía từng bước được mở rộng.
|
Từ nhiều năm nay, thành phố Kon Tum luôn là vùng trọng điểm trồng mía của tỉnh. Tính đến cuối niên vụ mía 2023-2024, toàn thành phố có 1.100ha mía nguyên liệu. Vụ mía năm nay, địa phương được giao chỉ tiêu trồng mới 250ha mía, nâng tổng diện tích mía trên địa bàn lên 1.350ha.
Ông Phan Thanh Nam - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng đã chủ động phối hợp với các xã, phường rà soát quỹ đất, vận động nhân dân duy trì và mở rộng diện tích trồng mía ở những nơi có điều kiện phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum phổ biến, công khai các chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ được phân cấp để hỗ trợ người dân triển khai các mô hình trồng mía mới, nhất là mô hình trồng mía trên các vùng đất đồi dốc nhằm góp phần mở rộng diện tích trồng mía và thay đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, Phòng cùng với các địa phương trên địa bàn cũng thường xuyên theo dõi, chú ý nắm bắt tâm tư, kiến nghị của người trồng mía để kịp thời tham mưu UBND thành phố và các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là trong việc thực hiện liên kết giữa người dân với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum nhằm bảo vệ lợi ích của người sản xuất.
Tại xã Ngọk Bay, những năm gần đây, mía được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương, nhiều hộ dân đã ưu tiên lựa chọn loại cây này để thay thế cho cây mì kém hiệu quả.
Đến nay, xã Ngọk Bay đã xây dựng được 2 cánh đồng mía lớn với diện tích khoảng 80ha. Trên các cánh đồng lớn, người dân áp dụng phương thức sản xuất 3 cùng (cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh), liên kết hợp tác với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum bằng các hợp đồng cung cấp dịch vụ đầu vào gắn với sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Nhờ đó, cây mía cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng, từ đó, người dân thêm tin tưởng và tích cực dồn đổi, tích tụ ruộng đất để xây dựng các cánh đồng mía lớn.
Sau nhiều thăng trầm, người dân đang dần quay lại với cây mía. Hy vọng rằng với những chính sách phù hợp, những điều chỉnh tích cực của doanh nghiệp và sự vào cuộc của các địa phương, cây mía sẽ phát triển ổn định, góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thiên Hương