18/11/2016 09:01
Người dân xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) từ bao đời nay gắn bó với núi rừng. Rừng bao bọc các làng tầng tầng, lớp lớp. Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất các loại cây trồng truyền thống như lúa, bắp, mỳ nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương khá cao.
Để góp phần giúp người dân nâng cao đời sống và gắn bó với rừng, trong những năm gần đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và khoán quản lý bảo vệ rừng cho dân theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ mua giống, phân bón trồng cà phê, bời lời, mua công cụ sản xuất...
|
Đến thôn 13, xã Đăk Psi, tôi gặp nhiều hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Dõi mắt về khu rừng trước làng ở bên kia sông Đăk Psi, A Klao khoe: Những năm trước đây, gia đình mình được Ban Quản lý bảo vệ rừng Đăk Hà giao khoán 27,2ha rừng và chi trả khoảng 10 triệu đồng/năm. Nhận tiền, gia đình mua giống, phân bón trồng được 0,5ha cà phê và sắm sửa áo quần cho con đi học. Hy vọng vườn cà phê sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo.
Cũng như A Klao, A Don (thôn 13) tham gia nhận khoán 28,2ha rừng. Ý thức được việc bảo vệ rừng, gia đình ông không để xảy ra mất rừng. Hằng năm, gia đình ông nhận khoảng hơn 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, đến nay, gia đình A Don đã trồng được 1,2ha cà phê.
Từng nhận khoán bảo vệ 27,5ha rừng, A Thình (thôn trưởng thôn 13) cho biết, hằng năm, gia đình ông cũng nhận được khoảng hơn 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Riêng năm 2015, gia đình ông cũng như các hộ nhận khoán mới nhận được một nửa số tiền dịch vụ môi trường rừng, số tiền còn lại đang được Ban có kế hoạch chi trả đủ. Nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình ông mua cà phê giống về trồng, mua dầu tưới cà phê và mua máy tuốt lúa… Hiện nay, gia đình A Thình có hơn 1ha cà phê, trong đó có khoảng 0,4ha cà phê đã đi vào kinh doanh.
A Thình cho biết thêm, giai đoạn năm 2016-2020, Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Đăk Hà giao khoán rừng cho cộng đồng thôn 13 quản lý bảo vệ 505,4ha rừng. Với vai trò thôn trưởng, ông phân công cộng đồng thôn 13 (78 hộ) thành 4 tổ quản lý bảo vệ rừng. Theo sự phân công của ông và đã được cộng đồng thống nhất, hàng tháng các tổ luân phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng và không để xảy ra mất rừng.
Đưa chúng tôi đến thăm rừng phòng hộ giáp ranh giữa xã Đăk Psi (Đăk Hà) và xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy), ông Nguyễn Xuân Linh - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đánh giá cao chính sách dịch vụ môi trường rừng. Nhờ có chính sách này, Ban tăng cường giao khoán, tạo sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng và bảo vệ tốt vốn rừng được giao.
|
Theo ông Linh, từ năm 2015 trở về trước, Ban Quản lý bảo vệ phòng hộ Đăk Hà được giao quản lý bảo vệ trên 15.000ha rừng, trong đó có trên 10.000ha rừng được giao khoán cho hộ gia đình theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. Sau khi sáp nhập diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Hà, năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà được giao quản lý bảo vệ 21.326,78ha rừng, trong đó có 19.750ha rừng được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Ban chỉ để lại quản lý hơn 9.000ha rừng, diện tích rừng còn lại giao cho 21 cộng đồng thôn, 8 tổ chức của 4 xã (Ngọc Réo, Đăk Ui, Đăk Psi - huyện Đăk Hà; Ngọc Yêu - huyện Tu Mơ Rông). Bằng chính sách đẩy mạnh việc giao khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng, trong những năm qua, Ban không chỉ bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng mà còn trồng được gần 450ha rừng, trong đó có 282,3ha rừng trồng được hưởng dịch vụ môi trường rừng.
Có một thực tế khiến những người quản lý lao tâm, nhưng chưa tìm ra lời giải. Đó là tiền lương bình quân của cán bộ công nhân viên đơn vị hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, trong khi phần lớn cán bộ, viên chức nằm ở 9 trạm quản lý bảo vệ rừng. Nếu như từ năm 2015 về trước, cán bộ, nhân viên của Ban được hưởng mức phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ “Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, thì nay chính sách này không còn, đời sống của cán bộ, nhân viên đơn vị gặp nhiều khó khăn.
“Việc tăng cường giao khoán rừng, tạo sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng là hết sức cần thiết, nhưng việc cần có những chính sách nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức giữ rừng ở vùng đặc biệt khó khăn cũng cần được coi trọng. Vấn đề này, lại đòi hỏi ở chủ trương, chính sách của Nhà nước”- ông Linh trải lòng.
Văn Nhiên