01/08/2016 13:11
“Quỹ đất sạch” được hiểu là quỹ đất đã được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Trong quá trình “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư, việc tạo dựng “quỹ đất sạch” được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu...
Nhà đầu tư cần “đất sạch”
Trong một lần đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, bà Đậu Thị Hoàn - Giám đốc Công ty TNHH Nhân Thành 10B cho biết: Chúng tôi mong muốn, thay vì để nhà đầu tư phải vất vả tự đi tìm đất thì chính quyền địa phương xây dựng “quỹ đất sạch” và cung cấp thông tin trực tiếp về nó. Có “đất sạch”, nhà đầu tư sẽ yên tâm và quyết định nhanh chóng; ngược lại, sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ hơn nhiều trước khi quyết định, bởi quá nhiều việc phải làm với một vị trí đất “chưa sạch”.
|
Là người gắn bó với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (Sở TN&MT) từ khi mới thành lập (năm 2005), ông Lê Chí Thanh- Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 hiểu rất rõ ý nghĩa của “quỹ đất sạch” đối với thu hút đầu tư ở tỉnh Kon Tum hiện nay.
Theo ông Thanh, việc xây dựng “quỹ đất sạch”, nếu thực hiện tốt, chính quyền có thể quản lý và khai thác một cách hiệu quả nguồn quỹ đất của địa phương, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển minh bạch. Mặt khác, khi có được nguồn “đất sạch”, quy hoạch chung của địa phương sẽ không bị phá vỡ; quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi cũng được bảo đảm, tránh xảy ra trường hợp chây ỳ hoặc khiếu kiện dây dưa, kéo dài.
Thực tiễn cho thấy, do thiếu “quỹ đất sạch” để giao cho các chủ đầu tư, nên hiện nay, việc thu hồi đất hầu hết đều “chạy” theo dự án. Có nghĩa là nhà đầu tư đến địa phương, khi được duyệt dự án mới tính đến chuyện giới thiệu địa điểm ở đâu, sau đó chính quyền thu hồi đất để giao. Quá trình triển khai, chủ đầu tư đều phải qua rất nhiều cửa, nhiều khâu, tốn kém thời gian để giải quyết chuyện đất đai. Sau đó là các khâu áp giá, đền bù, giải tỏa... Với cách làm này thì nhà đầu tư phải đứng ra thực hiện mọi khâu, phải bỏ tiền ra trước để bồi thường giải phóng mặt bằng, đàm phán với người dân...
Chính việc giao đất cho các nhà đầu tư lệ thuộc vào quy trình giải phóng mặt bằng, với những bước triển khai nhiêu khê và tốn nhiều thời gian, nên đã có không ít nhà đầu tư mất thế chủ động, vỡ kế hoạch của dự án đầu tư vì bị ách tắc trong việc chờ đợi mặt bằng để triển khai dự án. Thậm chí có những nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn để theo đuổi hành trình dài ấy nên đã thoái chí mà từ bỏ do hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư luôn chịu sự tác động từ các biến động về giá cả vật tư, công lao động, cơ hội thị trường...
Cũng vì không có “quỹ đất sạch”, nên việc giải quyết chính sách tái định cư cho những hộ dân trong vùng dự án thường phải áp dụng các biện pháp đối phó tình thế, như: cấp tiền để dân tái định cư phân tán, hỗ trợ tiền thuê nhà chờ tái định cư,… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của những hộ bị thu hồi đất, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc khiến việc giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian.
Cần một cơ chế thống nhất
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, Bà Đặng Thị Trang- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh nhìn nhận dù trong thời gian qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng việc tạo nguồn “đất sạch” dự trữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trước hết, về mặt pháp lý, cho đến nay, tỉnh vẫn chưa ban hành cơ chế, chính sách tạo lập quỹ đất, quản lý và khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, rất khó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn “đất sạch” để thu hút các nhà đầu tư. Mặt khác, thiếu hành lang pháp lý dẫn đến việc chưa khắc phục được sự chồng chéo, mạnh ai nấy làm trong phát triển quỹ đất ở các địa phương.
Thứ hai, việc tạo “quỹ đất sạch” đòi hỏi chính quyền phải có vốn, rất nhiều vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ khi có mặt bằng sạch, đất mới có thể đưa ra đấu giá, thu tiền trả lại vốn đã vay phục vụ cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư vào hạ tầng. Tuy nhiên, muốn làm vậy, trước hết phải có tiền. Đây thật sự là một khó khăn đối với hầu hết các địa phương trong tỉnh. Không có kinh phí, các địa phương vẫn phải làm theo quy trình cũ, tức là khi có dự án đầu tư mới xác định địa điểm và tạo quỹ đất.
Theo bà Đặng Thị Trang, tạo “quỹ đất sạch” để thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đang được các địa phương trong cả nước áp dụng, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, đã đến lúc tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách thống nhất về tạo lập quỹ đất, quản lý và khai thác quỹ đất.
Đối với tỉnh Kon Tum, việc tạo “quỹ đất sạch” với quy mô lớn, đồng thời đảm bảo yêu cầu hiệu quả sử dụng đất không khó, vấn đề đặt ra là cần có sự linh hoạt, có kế hoạch phân kỳ khai thác sử dụng đất phù hợp. Tối thiểu cũng phải có “quỹ đất sạch” để giải quyết nhu cầu triển khai các dự án quy mô nhỏ, các công trình xây dựng có tính bức thiết, phục vụ công cộng, giải quyết tái định cư, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng… để triển khai các dự án quy mô lớn.
Quá trình triển khai cần có một tổ chức phát triển quỹ đất với cơ chế đồng bộ, thực hiện các khâu từ quy hoạch, thu hồi đất, giao đất; lập và công bố danh mục “quỹ đất sạch” trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Bên cạnh đó, cần xác lập quỹ đất công hiện có như quỹ đất thu hồi từ các dự án đầu tư khu dân cư; quỹ đất thu hồi do dôi dư, sử dụng không đúng mục đích của các doanh nghiệp, quỹ đất thu hồi do các cá nhân hay tổ chức lấn chiếm... Trên cơ sở đó, có biện pháp quản lý, triển khai kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Và cuối cùng, để có quỹ đất sạch, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, yếu tố quyết định chính là quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong việc chỉ đạo, đôn đốc cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Lê Hải