07/10/2016 14:01
Thực ra, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không phải bây giờ mới có. Ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Phần Lan… ngay từ thế kỷ trước đã hình thành nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ở nước ta, các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Lâm Đồng... trong những năm gần đây từng bước xây dựng và hình thành những khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ở Thành phố Hồ Chí Minh; rau hoa ở Đà Lạt, trà Ô Long ở Bảo Lộc (Lâm Đồng)… không chỉ tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn tạo ra giá trị thu nhập bình quân từ 600-700 triệu đồng/ha/năm.
|
Thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong những năm qua, Kon Tum cũng từng bước xây dựng các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao các dịch vụ nông nghiệp - công nghệ như: Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh; Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh; Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh...
Theo đó, hiện nay Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh đang nhân giống, trồng sâm Ngọc Linh có hiệu quả. Ở Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh, từ nhiều năm nay đã sản xuất, cung ứng, chuyển giao các tiến bộ về giống, quy trình sản xuất cho bà con nông dân. Còn Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh xây dựng mô hình trồng hoa xứ lạnh tại huyện Kon Plông; xây dựng nhà nuôi cấy mô thực vật phục vụ nghiên cứu khoa học…
|
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, các đơn vị ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh chưa tạo ra những đột phá lớn trong sản xuất. Việc hợp tác với các trường đại học để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang còn trong giai đoạn đầu, sản phẩm chưa nhiều.
Hiện tại, tỉnh hợp tác với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số đề tài khoa học công nghệ như: sản xuất giống hoa ly ly, cà phê lên men (giả chồn), cà phê hòa tan; nghiên cứu khả thi và thiết kế nhà máy chế biến sâm Ngọc Linh; nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh quy mô nhỏ…
Ngoài các đơn vị sự nghiệp nhà nước và việc liên kết với các trường đại học, hiện tại Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen đang triển khai Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa theo công nghệ của Úc tại huyện Kon Plông với quy mô 1.350 ha; Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum triển khai dự án quản lý bảo tồn rừng, kết hợp chăn nuôi gia súc, động vật rừng dưới tán rừng trên địa bàn huyện Ia H’Drai với quy mô khoảng 900ha.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) thành công cũng đang tạo được dấu ấn quan trọng ở huyện Kon Plông. Với tiềm lực kinh tế cùng với việc “chiêu hiền, đãi sĩ”, các doanh nghiệp đang mở ra hướng phát triển mới ở địa phương.
Đặc biệt, đầu tháng 9 năm nay, UBND tỉnh công bố thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen có diện tích 170ha tại xã Đăk Long, huyện Kon Plông.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân lực, ươm tạo và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức hoạt động dịch vụ giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động khác theo quy định; thu hút đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng…
Đây có thể xem là nền móng, là điều kiện quan trọng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh trong những năm đến phát triển mạnh hơn.
Theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tỉnh Kon Tum có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu hình thành do liên kết giữa tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và hoạt động từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao...
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhu cầu, là đòi hỏi tất yếu. Các điều kiện cần và đủ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được đặt ra. Cái còn lại là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sự phối hợp của các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và sự chuyển giao cho người sản xuất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh.
Văn Nhiên