07/09/2024 07:17
Sau 5 năm triển khai thực hiện, tại Kết luận số 724-KL/TU ngày 31/7/2017, Tỉnh ủy đã điều chỉnh mục tiêu tập trung phát triển 4 ngành, nhóm ngành mũi nhọn và xây dựng phát triển 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt là trong 9 sản phẩm chủ lực có đến 7 sản phẩm nông sản, dược liệu gồm: Mì và các sản phẩm chế biến từ mì; Sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; Sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; Cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ.
Đến nay, qua quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã đạt được những kết quả quan trọng, có 1 sản phẩm vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là cà phê vượt 40% diện tích (25.211/18.000ha) và 30,4% sản lượng (52.172/40.000 tấn); có 2 sản phẩm đạt ở mức khá, gồm cao su đạt 85% diện tích (76.182/90.000ha) và 93% sản lượng (85.587/92.000 tấn); sâm Ngọc Linh đạt 90,7% diện tích (907,24/1.000ha) và gấp 1,42 lần về sản lượng (213,6 tấn/150 tấn), dược liệu đạt 90,1% diện tích.
|
Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như GACP-WHO, hữu cơ, Global GAP, VietGap ngày càng tăng. Tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 8.000ha. Một số cánh đồng lớn đã hình thành như: Cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao 30ha tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum); cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm 32ha tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà); cánh đồng trồng bắp lấy thân 30ha tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông) đã phát huy lợi thế sản xuất theo quy mô.
Đặc biệt, trong 7 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được tỉnh định hướng xây dựng thì sản phẩm chủ lực cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê có bước phát triển mạnh, cả về chất lượng, chủng loại sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Đến nay, đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cà phê Robusta ở huyện Đăk Hà, vùng chuyên canh cà phê Arabica tại các xã vùng Đông Trường Sơn (các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei). Tổng diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 29.846ha; sản lượng từ 54.563 tấn đến 63.270 tấn/năm, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn/năm.
Việc sản xuất, chế biến cà phê nhân có bước phát triển mạnh với sự tham gia từ nhiều loại hình kinh tế. Đặc biệt, năng lực chế biến sâu sản phẩm cà phê (cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc) có bước phát triển mạnh với hơn 40 cơ sở với tổng công suất chế biến khoảng trên 150 tấn bột/năm. Một số cơ sở nhờ ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm đã từng bước thâm nhập và được đón nhận tại các thị trường lớn, có tiêu chuẩn cao như Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.
Cũng từ sự định hướng và hỗ trợ của tỉnh, một sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác là sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đã đạt được kết quả tích cực trong những năm gần đây. Người dân các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông; Kon Plông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kĩ thuật, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Tổng diện tích sâm Ngọc Linh là 2.422ha; dược liệu khác khoảng 7.800ha.
Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu được hình thành, phát triển mạnh, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm và có thương hiệu trên thị trường trong nước như K5 dịch chiết sâm Ngọc Linh, K5 Trà sâm Ngọc Linh, K5 rượu sâm Ngọc Linh Gold.
|
Tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; toàn tỉnh có 5 vùng nông nghiệp,7 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao; thu hút 5 dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 5 cơ sở chế biến sâu có sức cạnh tranh cao; xây dựng ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Đến năm 2030, phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chiếm 25-30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; toàn tỉnh có 10 vùng nông nghiệp, 15 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, 10 cơ sở chế biến sâu có sức cạnh tranh cao; duy trì các sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.
Với những kết quả đạt được trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo định hướng của tỉnh thời gian qua sẽ góp phần vào việc thực hiện đảm bảo mục tiêu đã đề ra, chuyển dịch cơ cấu các ngành nông, lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng (trong khâu thu hoạch, sản xuất, chế biến) và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hàm lượng khoa học trong sản phẩm. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Phúc Nguyên