28/11/2014 06:52
Là địa phương có nhiều rừng, Kon Tum luôn xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng này, ngày 1/7/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, việc phát triển lâm nghiệp được thực hiện theo hướng bền vững dựa trên cơ sở phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, nhằm gia tăng các giá trị sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư bảo vệ rừng, phát triển rừng và hưởng lợi từ rừng...
Tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp phải được giao, cho thuê và có chủ thực sự; lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ và khai thác rừng theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, miền núi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng và trồng rừng…
|
Theo đánh giá, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, công tác quản lý, bảo vệ rừng có những chuyển biến tích cực, nhận thức về vai trò của rừng đối với đời sống xã hội của các cấp ủy, chính quyền và người dân được nâng lên rõ rệt; việc đầu tư trồng rừng được tập trung theo hướng nâng cao về chất lượng; một bộ phận rừng được khai thác theo phương án quản lý rừng bền vững...
Đặc biệt, việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang có những tác động tích cực đến việc phát triển lâm nghiệp bền vững ở địa phương.
Tính đến quý II/2014, toàn tỉnh trồng mới gần 6.000ha rừng, khoanh nuôi phục hồi 12.896ha rừng, trồng gần 13 triệu cây phân tán… Hầu hết tài nguyên rừng được giao cho các đơn vị, hộ gia đình và cộng đồng quản lý. Kết quả kiểm kê rừng mới đây cho thấy, toàn tỉnh có 604.241,74ha đất có rừng, độ che phủ của rừng chiếm 62,4% diện tích.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, tình trạng xâm canh, phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái pháp luật vẫn còn xảy ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để; tác động của ngành Lâm nghiệp đối với sự phát triển xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; người dân chưa thể vươn lên làm giàu bằng nghề rừng...
Những hạn chế, thiếu sót trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, hệ thống chính sách lâm nghiệp chưa đồng bộ và phù hợp với yêu cầu thực tế; việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành của tỉnh chưa thực sự quyết liệt, năng động…
Đánh giá lại việc phát triển lâm nghiệp bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp việc, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ngành, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 02 và các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng để mọi người có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững để tập trung tổ chức, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra; đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cấp mình, ngành mình. Các cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan, các chủ rừng nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; huy động cả hệ thống chính trị (nhất là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư) và tập trung nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết và các phương án của UBND tỉnh về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, về giải quyết đất chồng lấn, lấn chiếm nằm trong lâm phần của các đơn vị chủ rừng; xác định, khoanh vùng những khu vực có khả năng xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng để tăng cường lực lượng truy quét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; xây dựng và ban hành quy chế làm việc, quy trình công tác của các trạm kiểm soát liên ngành, bảo đảm tính thống nhất, kỷ luật cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; rà soát, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy để quản lý và giải quyết đất sản xuất cho dân; triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn…
Văn Nhiên