26/10/2024 13:08
Cá trà sóc, hay còn gọi là cá sọc dưa (Probarbus jullieni), là loại cá nước ngọt, giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, trong tự nhiên, loài cá này ngày càng khan hiếm. Ở lòng hồ thủy điện Sê San, thỉnh thoảng ngư dân tỉnh ta đánh bắt được cá trà sóc. Tuy nhiên, nguồn cá trà sóc trong lòng hồ thủy điện Sê San không nhiều và ngày càng khan hiếm.
Để bảo tồn và góp phần phát triển loài cá trà sóc thành cá thương phẩm, từ yêu cầu đặt ra và qua đề xuất của huyện Ia H’Drai, Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh ta triển khai đề tài “Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trà sóc bản địa ở vùng sinh thái lưu vực tỉnh Kon Tum” (viết tắt là đề tài). Trường Đại học Cần Thơ được tuyển chọn chủ trì đề tài đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân thực hiện đề tài. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống và Nuôi thương phẩm cá nước ngọt (gọi tắt Trung tâm), thuộc Công ty nuôi cá trà sóc từ nguồn nước lòng hồ thủy điện Sê San ở xã Ia Tơi.
|
Ông Trần Trung Kiên – phụ trách Trung tâm cho biết, thời gian thực hiện đề tài từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2026. Qua triển khai thực hiện đề tài, đến nay, cá trà sóc đang phát triển tốt, tỷ lệ tăng trưởng đạt yêu cầu.
Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi cá trà sóc thương phẩm và cá bố mẹ. Sau quá trình nuôi, trọng lượng cá trà sóc thương phẩm đạt 600-700 gam/con; cá trà sóc bố mẹ từ 8-16kg/con. Cùng với các loài cá đã nuôi (lăng nha, lóc, rô phi, diêu hồng), cá trà sóc có nhiều tiềm năng để phát triển.
Để giúp tôi tìm hiểu đàn cá, ông Trần Trung Kiên nhờ công nhân rải thức ăn xuống ao nuôi, cà trà sóc nổi lên hàng đàn đớp mồi làm chao động cả ao nuôi. Nhìn thoáng cá dưới nước, tôi thấy cá trà sóc không khác cá chép là mấy. Tuy nhiên, hai bên mình cá có những sọc đen dài từ mang đến đuôi. Cá trưởng thành to và dài hơn cá chép nhiều.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do môi trường sống, vùng phân bố cá trà sóc trong tự nhiên ở nước ta ít, nên các cơ sở nuôi cá trà sóc không nhiều. Riêng ở tỉnh ta, ngoài Trung tâm là đơn vị đầu tiên nuôi cá trà sóc theo đề tài, chưa có cá nhân hay đơn vị nào nuôi. Chính vì cá trà sóc hiếm, thịt ngon, giàu dinh dưỡng, lại ít người nuôi, nên giá cá trà sóc khá cao. Giá cá trà sóc thương phẩm trên thị trường tỉnh hiện nay khoảng 250 nghìn đồng/kg, còn trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 500 nghìn đồng/kg.
|
Trong tự nhiên, cá trà sóc có ở sông Sê San, sông Mê Kông. Theo các nhà nghiên cứu, cá trà sóc cũng có mặt ở một số dòng sông ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar và Malaysia. Cá trà sóc bố mẹ lâu năm có thể đạt kích thước 165cm, nặng 70kg và có thể sống tới 50 năm.
Cùng chúng tôi tham quan mô hình cá trà sóc ở Trung tâm, ông Nguyễn Thanh Xuân – chuyên viên Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cũng đánh giá cao về giá trị cá trà sóc. Ông Xuân nhấn mạnh: Trung tâm đang triển khai nội dung nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá trà sóc bố mẹ trong ao với số lượng 42 con (tương đương 400 kg); thực nghiệm nuôi cá trà sóc trong ao với số lượng 2.000 con, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 90%.
Mục tiêu đề tài này nhằm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trà sóc bản địa, góp phần bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cá bản địa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là đánh giá khả năng sinh sản và nuôi thương phẩm giống cá trà sóc trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện quy trình công nghệ sinh sản và nuôi thương phẩm giống cá trà sóc phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Nếu đề tài đạt được mục tiêu như mong muốn, Trung tâm sẽ cung cấp cá giống ra thị trường, tạo cơ hội người dân có điều kiện nuôi cá trà sóc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và làm giàu.
Văn Nhiên