18/11/2016 14:03
Nếu như ở một số địa phương, câu chuyện làm rau an toàn luôn gặp phải rất nhiều khó khăn, thì ở Sa Thầy nhiều người dân lại đang rất hồ hởi tự nguyện đăng ký trồng rau an toàn.
Hiện tại, toàn huyện đã có 27 hộ sản xuất rau an toàn và số lượng này chủ yếu nằm tại xã Sa Nghĩa - vựa rau cung cấp phần lớn rau xanh cho thị trường huyện Sa Thầy.
Lâu nay người dân trên địa bàn huyện vốn chỉ làm rau theo kinh nghiệm, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách tuỳ tiện, miễn sao rau tốt, đẹp, năng suất là được nên lượng rau làm ra nhiều nhưng khó bán vì người tiêu dùng không tin tưởng.
Trước thực tế đó, từ năm 2015, một số hộ nông dân ở xã Sa Nghĩa đã rủ nhau trồng rau an toàn, cũng không rõ ai khởi xướng, chỉ biết rằng 23 hộ dân cứ lần lượt lên xã đăng ký làm rau theo phương pháp này. Sau đó, UBND xã Sa Nghĩa tiếp tục đăng ký với UBND huyện và dĩ nhiên, mô hình này đã được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện ủng hộ. Rồi tiếng lành đồn xa, mới đây 4 hộ dân trên địa bàn thị trấn Sa Thầy, xã Sa Sơn và Sa Nhơn cũng đã đăng ký gia nhập nhóm sản xuất rau an toàn.
|
Ông Võ Tấn Thanh (thôn Hoà Bình) cho biết: Trồng rau an toàn phải tuân thủ quy định rất nghiêm ngặt, nếu không khi các cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra lấy mẫu test phát hiện rau không đạt tiêu chuẩn sẽ bị kiểm tra và xử phạt liền. Điều quan trọng nhất là điều đó sẽ làm mất niềm tin của người tiêu dùng, những đối tác làm ăn, như vậy thì thiệt hại vô cùng.
Theo tiêu chuẩn, rau an toàn phải đạt các chỉ tiêu an toàn cơ bản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn về vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh cho người. Rau an toàn không được trồng trên vùng đất ô nhiễm, không dùng phân tươi, nước bẩn tưới cho rau; không bón phân đạm trong vòng 10-15 ngày trước khi thu hoạch; ngoài ra, phải đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc bảo vệ thực vật.
Những kiến thức này được Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và xuống tận ruộng hướng dẫn cho người dân một cách kỹ càng. Các chỉ tiêu an toàn của sản phẩm luôn được Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm huyện phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm dịch vụ công ích huyện kiểm tra rất nghiêm ngặt từ trước khi thu hoạch đến khi rau được mang ra chợ bán.
Chị Vy Thị Hồng Cam (thôn Hoà Bình) cho biết: Thực tế, nhà tôi cũng như nhiều gia đình trồng rau an toàn trong thôn đều hạn chế sử dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật cho cây rau, mà chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ mục, dùng các loại thuốc sinh học từ thảo mộc chiết xuất để phòng trừ sâu bệnh và tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ trước hết là để bảo vệ sức khoẻ mình, sau đó là người dùng.
Theo các hộ nông dân, so với trồng lúa thì trồng rau an toàn cho lãi cao hơn rất nhiều. Khi đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng thì đầu ra sẽ rất thuận lợi và khi đó thì thu nhập của người trồng rau cũng rất ổn định. Mặt khác, việc không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất rau không chỉ có lợi cho sức khỏe của bản thân, mà còn không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Song, để các hộ trồng rau an toàn có thể gắn bó và mở rộng mô hình này không thể không nhắc tới vai trò “bà đỡ” của ngành chức năng và các cấp chính quyền trên địa bàn huyện.
Ngoài việc hướng dẫn về kỹ thuật, giám sát về chất lượng; đáng nói nhất là từ tháng 8 năm nay, huyện đã bố trí hẳn một khu vực nằm ở vị trí ưu tiên của chợ trung tâm huyện Sa Thầy để các hộ trồng rau an toàn có nơi bán hàng, đồng thời cắm biển công khai thông tin rau đã được kiểm định về nguồn gốc xuất xứ để người dân biết.
|
Hằng ngày, Ban quản lý chợ sẽ kiểm tra xem hôm đó những ai bán rau rồi lực lượng chức năng sẽ xuống lấy mẫu kiểm tra. Nhờ đó, người dân khi mua có thể biết rõ nguồn gốc của từng loại rau mình ăn.
Bà Lương Thị Kim Anh (thôn Anh Dũng, xã Sa Nghĩa) kể: Trước đây, người dân mang rau ra chợ bán cứ tiện đâu ngồi đó và cũng bán như tất cả các loại rau khác trên thị trường, không có sự phân biệt nào với rau không an toàn. Sau đó, nhờ huyện bố trí cho chỗ ngồi ổn định, hằng ngày mình cứ đến đúng vị trí đã được quy định bán, không phải chào mời, tiếp thị như trước mà người mua thì cứ ào ạt. Thông thường, sáng ra khoảng 5 giờ, tôi mang rau ra chợ, người mua lẻ, người mua buôn, chỉ trong khoảng 1 tiếng là hết, về nhà lại ra ruộng làm việc bình thường, thích lắm.
Người tiêu dùng trên địa bàn huyện phấn khởi vì có nguồn rau đủ tin cậy để dùng và ngay cả các hộ bán lẻ rau củ tại chợ trung tâm huyện Sa Thầy cũng rất vui bởi khi họ mua và bán lại cho người dân có thể tự tin cam kết về chất lượng rau với khách hàng. Khi cung cầu gặp nhau đã tạo động lực để các hộ nông dân gắn bó với phương thức sản xuất này.
Dù vậy, trên thực tế mô hình này còn khá mới mẻ, số lượng các hộ làm rau an toàn còn ít nên sản phẩm rau chưa phong phú, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc bước đầu người dân đã có thay đổi trong cách làm rau, không còn chạy đua theo sản lượng mà đã có ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng, sức khoẻ của bản thân là tín hiệu đáng mừng. Mùa nào thức ấy, các hộ trồng rau an toàn luôn duy trì cách làm này và luôn có rau cung ứng cho thị trường.
Thiên Hương