Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư

31/08/2015 08:07

Những năm gần đây, Kon Tum nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên Báo Kon Tum đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT về định hướng và những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Bắc-Phó Giám đốc Sở KH-ĐT. Ảnh: L.S

 

PV: Thưa ông, trong thời gian qua, việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều dự án lớn của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đầu tư vào địa bàn, ông có thể cho biết rõ nét hơn về những kết quả này?

Ông Nguyễn Đình Bắc: Việc xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo, sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, thu hút được không ít DN trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Mối quan hệ hợp tác với các tỉnh trong Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam cũng được tăng cường. Trong năm 2014, có một số DN của Hàn Quốc và Úc đã đến tỉnh làm việc và nghiên cứu cơ hội đầu tư vào một số lĩnh vực tiềm năng. Có thể thấy những lợi thế và tiềm năng của tỉnh đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý, quan tâm.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án với tổng vốn đăng ký trên 9.065 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã được cấp và trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng, gồm: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du dịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen với tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng; Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn 1.600 tỷ đồng; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum Măng Đen của Công ty CP Tập đoàn VinGroup với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh 8 dự án; chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án và tiếp tục chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ cho nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục để triển khai dự án.

 PV: Với chức năng là cơ quan tham mưu với tỉnh, ông đánh giá như thế nào về công tác giám sát đầu tư và chất lượng các dự án?

Ông Nguyễn Đình Bắc: Thời gian qua, cùng với việc tăng cường thu hút các dự án đăng ký đầu tư mới, công tác kiểm tra, giám sát đầu tư các dự án đầu tư được chú trọng và qua đó đã xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Nhiều dự án đầu tư vào địa bàn được tỉnh chọn lọc hơn trong khâu đầu vào, đảm bảo chất lượng dự án. Tuy nhiên, có một số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay một số nhà đầu tư vẫn triển khai chậm, có biểu hiện cơ hội, giành giữ chỗ chờ thời cơ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Cụ thể, qua kiểm tra, rà soát, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 28 chủ trương đầu tư, thu hồi và chấm dứt hiệu lực thi hành đối với 12 giấy chứng nhận đầu tư. Một số dự án khác xét thấy do ảnh hưởng của tình hình kinh tế có nhiều biến động, khó khăn, dẫn đến chậm triển khai thực hiện dự án, tỉnh chủ trương cho gia hạn thời gian, đôn đốc nhà đầu tư tiến hành triển khai thực hiện dự án. Có thể nói, thời gian gần đây, các dự án đầu tư vào địa bàn được tỉnh chọn lọc kỹ trong khâu đầu vào, đảm bảo chất lượng dự án, khắc phục tình trạng dự án đăng ký nhiều, nhưng triển khai chậm.

PV: Được đánh giá cao trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhưng chỉ số năng lực canh tranh (PCI) của tỉnh năm 2014 xếp thứ hạng 56/63 tỉnh, thành vào nhóm tương đối thấp. Theo ông, thứ hạng này có đánh giá đúng thực trạng cạnh tranh của tỉnh?

Ông Nguyễn Đình Bắc: Chỉ số PCI có thể chưa hoàn toàn phán ánh đúng bản chất của vấn đề, tuy nhiên nhìn vào chỉ số này, các cơ quan quản lý cũng có thể soi xét để điều chỉnh. Dù đã có những nỗ lực nhất định, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc củng cố, kiện toàn mô hình “một cửa liên thông” để làm nhân tố thu hút đầu tư. Ngay cơ quan xúc tiến đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chưa phối hợp chặt chẽ nhiều và chủ động tiếp cận với các nhà đầu tư. Chỉ số PCI thấp, một phần nói lên sự chưa hài lòng của DN và nhà đầu tư. DN, nhà đầu tư và phía chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước chưa gặp một điểm chung để giải quyết vấn đề.

PV: Vậy các giải pháp trọng tâm nào để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư mà tỉnh chú trọng và triển khai trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Bắc: Các giải pháp trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới trước hết là cải cách phương pháp tiếp nhận và xử lý các thủ tục liên quan đến đầu tư như đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm các thủ tục không cần thiết. Một khi doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư thì không cần phải xin chủ trương. Về tiết giảm thời gian, tất cả các thủ tục liên quan đến đầu tư đều phải được đăng tải công khai trên các wesite ngành (các sở, ngành liên quan). Khi DN, nhà đầu tư hỏi phải được trả lời hoặc tư vấn cụ thể.

Cơ quan đầu mối tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi thông tin một số thủ tục chấp nhận thông qua thư điện tử. Trong trường hợp trễ so với phiếu hẹn, phải trả lời, phản hồi nguyên nhân bằng văn bản. Khi gặp vướng mắc trong xử lý các thủ tục liên quan đến đầu tư, thì liên quan đến đơn vị nào, đơn vị đó phải báo cáo UBND tỉnh kịp thời bằng văn bản. Đối với DN, nhà đầu tư khi gặp các vấn đề  vướng mắc hoặc cảm thấy việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thỏa đáng, thì gặp trực tiếp trao đổi, thảo luận, đối thoại hoặc gián tiếp phản ánh đến các cơ quan quản lý để được giải thích, lãm rõ vấn đề. Đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư phải thay đổi quan niệm, thái độ từ xin cho, mệnh lệnh sang hướng phục vụ là chính; có thể  làm thay thủ tục cho nhà đầu tư; hướng dẫn, tư vấn cặn kẽ... Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức đối thoại DN, nhà đầu tư; cam kết sẵn sàng đồng hành cùng với các DN, nhà đầu tư; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư cùng thực thi, phát huy hiệu lực, hiệu quả Luật DN, Luật Đầu tư 2014.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Sang (thực hiện)

 

 

Chuyên mục khác