Người trồng mì lại gặp khó

18/10/2016 14:03

Thời điểm này, người nông dân trên địa bàn tỉnh lại bước vào vụ thu hoạch mì mới. Chưa năm nào người trồng mì lại gặp khó khăn như năm nay bởi cây mì vừa bị mất mùa, lại vừa mất giá.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, hiện tại giá mì tươi được thương lái thu mua tại ruộng chỉ ở mức 700 – 800 đồng/kg; giá bán mì tại nhà máy nếu đảm bảo trữ lượng bột 30% thì được khoảng 1.460 đồng/kg. Thế nhưng trên thực tế, mì của người dân đều chỉ đạt mức 25 – 27% độ bột nên giá bán cũng chỉ rơi vào ngưỡng 1.200 – 1.300 đồng/kg, giảm khoảng 600 – 800 đồng/kg so với mùa trước.

Không chỉ mất giá, năm nay, do nắng hạn kéo dài nên cây mì phát triển chậm, năng suất củ tươi vì thế cũng bị giảm mạnh. Chưa kể, nhiều diện tích còn bị mất trắng do hạn hán.

 Ông Nguyễn Văn Vọng (thôn 8, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mọi năm, bình quân mỗi héc ta mì ngoài ô nà tôi thu được 25 tấn củ mì tươi, còn trên đồi cũng được khoảng 20 tấn; nhưng năm nay, mỗi héc ta giảm năng suất khoảng 5 tấn. Với giá mì hiện tại, nếu gia đình nào có đất và nhân công còn đỡ, chứ như tôi sau khi trừ tiền thuê đất, chi phí giống, phân, trả công cho người nhổ thì lỗ nặng.

Vụ mì năm nay, người nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.H

 

Năng suất thấp, giá mì lại giảm sâu, thương lái thì dè dặt trong việc thu mua khiến người nông dân đã khó lại càng thêm khó.

Ông Phan Văn Thu (thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) kể: Nhà tôi trồng gần 20ha mì, mỗi ngày thu hàng chục tấn mì. Những vụ trước, cứ nhổ mì xong là thương lái đã đưa xe tải vào cân với giá cao, thậm chí họ còn đặt tiền trước để giữ mối. Nhưng năm nay, gọi điện cho họ đến cân, họ chỉ trả lời ậm ừ và hẹn mai đến, nhưng chờ mãi không thấy, sốt ruột tôi phải thuê xe chở đến tận nhà máy chế biến tinh bột sắn Tây Nguyên ở Đăk Hà để bán.

Trước mắt, tôi chỉ thu mì ở những khu đất trũng, còn ở những chân ruộng cao không lo ngập nước, tôi để lại khi nào được giá mới bán. Năm nay, người trồng mì đúng là thiệt đơn thiệt kép, càng làm nhiều càng lỗ - ông Thu than.

“Giá mì lên thì người dân tăng lợi nhuận mà người buôn vừa dễ thu mua, vừa có lời. Giá liên tục xuống thấp khiến những người buôn bán chúng tôi cũng phải thận trọng hơn vì sợ lỗ, sợ nhà máy không thu mua cho” - chị Nguyễn Thị Mai (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum), người chuyên thu mua mì cho hay.

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, tính đến cuối tháng 9/2016, chỉ số tồn kho của ngành sản xuất tinh bột mì cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 khoảng 27,82%. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu tinh bột mì đang gặp nhiều khó khăn bởi sức mua của thị trường chính là Trung Quốc thời gian qua giảm mạnh. Sức tiêu thụ chậm dẫn đến mì bị rớt giá.

Nguyên nhân khác nữa, đó là một bộ phận người dân trồng mì chưa quan tâm đến việc thâm canh tăng năng suất dẫn đến đất đai ngày càng thoái hóa, năng suất cây mì ngày càng giảm, độ bột củ mì ngày càng thấp, nên việc người dân vừa bị thất thu về sản lượng, vừa chịu thua thiệt về giá cũng là điều khó tránh khỏi.  

Toàn tỉnh hiện có khoảng 39.294ha mì, mặc dù đây là loại cây trồng không được ngành Nông nghiệp và các địa phương khuyến khích, nhưng thực tế ở nhiều vùng đất không phù hợp để trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp, thì cây mì vẫn là giải pháp tối ưu.

Mặt khác, với đặc tính dễ trồng, ít tốn công sức và chi phí đầu tư nên cây mì dường như vẫn là cây trồng chính của nhiều gia đình.

Vì thế, việc giá mì giảm sâu, năng suất xuống thấp đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khó khăn.

Ngọc Thắng 

Chuyên mục khác