Nền móng nông thôn mới ở xã Ngọc Wang

27/11/2016 18:11

Không nằm trong diện xã điểm, xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) không được ưu tiên nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới; các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đã nỗ lực vận động nhân dân đoàn kết, phát huy nội lực, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Không còn heo hút như ngày nào, đến xã Ngọc Wang, chúng tôi thấy nhiều tuyến đường bê tông, láng nhựa mở ra kết nối với các thôn làng, các xã, các khu sản xuất. Núi đồi phủ kín màu xanh của cao su, cà phê, hồ tiêu, mỳ…

Để tìm hiểu việc xây dựng nông thôn mới, tôi đến thôn Kon Rế. A Mét - Bí thư Chi bộ thôn Kon Rế đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà rông của làng do người dân tự góp công xây dựng bằng nguyên vật liệu (gỗ, tranh, tre) theo truyền thống của người dân địa phương.

Tự hào về ngôi nhà rông trong làng vừa mới khánh thành, A Mét cho biết, thực hiện chủ trương của xã về xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn bỏ ra hàng ngàn ngày công lao động vào rừng tìm nguyên vật liệu và cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà rông này. Nếu tính ra công cán và nguyên vật liệu, trị giá ngôi nhà rông khoảng vài tỷ đồng.

Nhà rông thôn Kon Rế làm bằng nguyên vật liệu truyền thống vừa mới khánh thành. Ảnh: V.N

 

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là ngôi nhà rông được người dân xây dựng trị giá bao nhiêu tiền. “Đối với người Sđrá, nhà rông là nơi sinh hoạt chính của cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội, nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa”-A Mét trải lòng.   

Ở các thôn khác, người dân cũng đều có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng lại ngôi nhà rông truyền thống bề thế như nhà rông Kon Stiu II, Kon Brông, Kon Gu II… Việc xây nhà rông và xây cổng chào thôn đều do người dân tự đóng góp công sức xây dựng, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ một phần nhỏ mang tính động viên.  

Chiêm ngưỡng những ngôi nhà rông bề thế như chiếc rìu úp ngược lên trời, chúng tôi biết người Sđrá ở địa phương rất tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người dân ở đây còn có ý thức vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Các cây trồng truyền thống lúa rẫy, bắp, mỳ đang dần được thay bằng cây cao su, cà phê, hồ tiêu có giá trị kinh tế cao. Và cây cao su, cà phê… đang trở thành những cây trồng chính nâng cao thu nhập cho người dân.

Vườn cà phê của A Bao. Ảnh: V.N

 

Tại thôn Kon Chôn, tôi gặp A Bao - chủ trang trại còn trẻ nhưng có 2ha cà phê, 2,5ha cao su, đàn bò, dê, 1 ao cá… Trong trang trại này, có 1,5ha cà phê từ lâu đã đi vào kinh doanh, còn 2ha cao su đến tuổi mở miệng cạo. Riêng cà phê năm nay, anh dự thu khoảng 25 tấn quả tươi. Với giá gần 9.000 đồng/kg cà phê như hiện nay, gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng.

“Trồng cà phê hơn nhau ở giống và kỹ thuật chăm sóc”- A Bao lý luận.  Cả hai yếu tố này được A Bao quan tâm và ứng dụng vào sản xuất nên vườn cà phê của anh luôn sai quả. Ngay cả vườn cà phê vối giống cao sản mới trồng chưa đi vào kinh doanh, nhưng năm nay vẫn cho gia đình anh khá nhiều quả.

Theo ông Đặng Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang, nhiều hộ gia đình khác như A Đảo, A Rẻ (thôn 5) cũng phát triển được những trang trại cà phê, cao su… không thua kém gì A Bao. Chính các hộ sản xuất giỏi này trở thành những tấm gương cho nhiều người dân địa phương khác học tập.

Đồng thời, thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật của Nhà nước, đến nay, người dân trong xã trồng được 1.384,9ha cao su, 492ha cà phê, 34,6ha hồ tiêu…

Bên cạnh đó, trước yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới, xã tạo điều kiện cho người dân từng bước xây dựng tổ hợp tác sản xuất lúa thôn Kon Chôn, tổ hợp tác sản xuất mỳ thôn Kon Brông, tổ hợp tác sản xuất cà phê thôn 7... mở ra hướng sản xuất mới.

Các tổ hợp tác sản xuất này giúp người dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và xây dựng chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở địa phương.

Đối với cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, khi Nhà nước đầu tư vốn, người dân tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc và góp công sức xây dựng.

Trao đổi về việc xây dựng đường bê tông ra khu sản xuất, A Bây (thôn Kon Chôn) tự hào: Tuyến đường này do Nhà nước đầu tư vốn, người dân góp công xây dựng. Người dân ai cũng tham gia và coi đó là trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Đường ra khu sản xuất. Ảnh: V.N

 

“Có đường bê tông, việc đi lại và vận chuyển nông sản từ khu sản xuất về nhà thuận lợi, người dân không còn khó khăn, vất vả như xưa”- A Bây bộc bạch.

Có thể nói, tự hào về truyền thống và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình vươn lên xây dựng cuộc sống mới, người dân xã Ngọc Wang đang đặt nền móng vững chắc xây dựng cuộc sống ngày một ấm no và bền vững hơn.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác