Nâng cao chỉ số xanh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xanh

08/11/2024 06:00

Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là công cụ quan trọng đảm bảo tính khoa học, khách quan trong đánh giá mức độ thân thiện và thái độ ứng xử với môi trường của doanh nghiệp và chất lượng quản trị môi trường của địa phương; là công cụ hữu ích giúp chính quyền có thông tin kịp thời về chất lượng môi trường của địa phương trên cơ sở đó để sàng lọc, cấp phép dự án đầu tư. Hiện tại, chỉ số PGI trở thành những tiêu chí quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và nó đang là “cuộc đua xanh” của tất cả các tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh; hướng tới mục tiêu đạt phát thải bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Đối với tỉnh Kon Tum, trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai rất quyết liệt đến bảo vệ môi trường. Trong đó, tỉnh luôn chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, đánh giá tác động môi trường của các dự án, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ, bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm đến công tác xử lý chất thải rắn trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ rác thải thu gom đạt trên 85%; cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường chiếm 84%; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt gần 65%; 100% cơ sở, dự án có hệ thống quan trắc nước thải tự động. Tỉnh phấn đấu đến 2025 số rác thải sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 90%, hạ tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt xuống dưới 30%.

Phát triển tỉnh Kon Tum luôn gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Với kết quả bảo vệ môi trường như trên, trong lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xếp hạng chỉ số PGI năm 2022 tỉnh Kon Tum đạt 15,09 điểm xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, chỉ số thành phần (CSTP) 1 là 3,37 điểm xếp thứ 44; CSTP2 là 4,72 điểm xếp thứ 49; CSTP3 là 4,87 điểm xếp thứ 5; CSTP4 là 2,27 điểm xếp thứ 11. Tuy nhiên, sang năm 2023 với nhiều thay đổi trong cách tính điểm và đổi mới bộ chỉ tiêu đánh giá, mặc dù điểm số PGI của tỉnh  tăng thêm 2,87 điểm, đạt 17.96 điểm, trong đó CSTP1 (giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai) tăng 1,17 xếp thứ 61; CSTP2 (đảm bảo tuân thủ) tăng 0,58 điểm xếp thứ 48; CSTP3 (thúc đẩy thực hành xanh) âm 1,49 điểm xếp thứ 62; CSTP4 (chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ) tăng 2,74 xếp thứ 36, nhưng tổng thể xếp hạng lần 2 này, tỉnh bị tụt 34 bậc, xuống hạng 60/63 tỉnh, thành phố  và xếp cuối các tỉnh Tây Nguyên so năm 2022.

Từ thực tế trên cho thấy, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường đang là mục tiêu mà tất cả các tỉnh, thành phố đều hướng tới và trở thành “cuộc đua xanh” rất quyết liệt. Trước thực trạng này, tỉnh ta phải thực hiện 4 giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần phải chỉ đạo các cơ quan, các tổ chức cá nhân có liên quan phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc nội dung, yêu cầu của 46 tiêu chí đánh giá trong 4 CSTP của bộ chỉ số PGI cấp tỉnh, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung và tầm quan trọng của bộ chỉ số PGI đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong việc duy trì, cải thiện kết quả các tiêu chí và vị thứ xếp hạng chỉ số PGI của tỉnh.  

Thứ hai, phân tích, đánh giá nghiêm túc, khách quan để chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí trong CSTP trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân và trả lời đúng câu hỏi vì sao Kon Tum tăng điểm mà lại tụt hạng nhiều như vậy. Phải đưa ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, có tính khả thi trong việc khắc phục các yếu kém, trong đó đặc biệt hạn chế điểm âm; duy trì và phát huy các lợi thế, điểm mạnh của tỉnh để nâng cao điểm cạnh tranh.

Thứ ba, cần tham khảo thông tin, tổ chức nghiên cứu, trao đổi, tham vấn, học tập các địa phương có tiêu chí, CSTP, chỉ số PGI tốt từ đó lựa chọn cách thức vận dụng vào thực tế của tỉnh cho phù hợp.

Thứ tư, cần xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh cho từng giai đoạn, đề ra chỉ tiêu phấn đấu thực hiện các tiêu chí, CSTP cho từng đơn vị, cá nhân liên quan. Trong đó, phải gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, phối hợp, người đứng đầu; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch thực chất và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời nghiêm túc.

Chúng ta hy vọng rằng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức, cá nhân cùng với việc phát huy tối ưu lợi thế mà tỉnh đang có, nhất định trong thời gian tới chỉ số PGI của tỉnh sẽ được nâng lên và Kon Tum sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư xanh và là động lực cho Kon Tum hướng đến phát triển nền kinh tế xanh theo hướng bền vững.

Nguyễn Ngọc Sơn

Chuyên mục khác