04/11/2016 18:01
Tiếp theo vụ đông xuân 2015-2016, vụ mùa này mô hình lúa TBR225 do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ nông dân sản xuất lại thành công trên đồng ruộng xã Đăk La, huyện Đăk Hà.
Trước yêu cầu đòi hỏi của việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo, sau thành công ban đầu của việc sản xuất giống lúa TBR225 trong vụ đông xuân 2015-2016, trong vụ mùa này, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh hỗ trợ cho 41 hộ sản xuất 6,67ha lúa TBR225 trên đồng ruộng xã Đăk La, huyện Đăk Hà.
Không giấu niềm vui trước ruộng lúa trĩu bông, A Nhiên (thôn 9, xã Đăk La) phấn khởi chia sẻ: Đây là vụ thứ hai Trung tâm hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho người dân sản xuất lúa TBR225. Ruộng lúa TBR225 cho bông sai hơn các giống lúa khác. Bà con đánh giá cao giống lúa này.
|
Theo Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh, giống lúa TBR225 lại một lần nữa tiếp tục khẳng định trên đồng đất Đăk La. Tại Hội thảo đầu bờ trước khi bước vào vụ gặt, Trung tâm cùng các hộ tham gia mô hình ở xã Đăk La đánh giá năng suất lúa TBR225 đạt 70-75 tạ/ha. So với ruộng lúa HT1, SH2... đối chứng gần kề năng suất bình quân chỉ đạt 55 tạ/ha, thì năng suất lúa TBR225 đạt được như trên là một thành công.
Trung tâm cho biết, giống lúa TBR225 là giống lúa thuần do Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất và được Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa quốc gia năm 2014. Trong vụ mùa này, Trung tâm cho bà con gieo sạ lúa TBR225 vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016. Định mức đầu tư 1 sào lúa TBR225 gồm: 15kg lúa giống, 25kg urê, 55kg lân, 15kg ka li, 50kg vôi bột.
Theo quy trình chăm sóc, trong vụ mùa này, Trung tâm yêu cầu bà con bón lót toàn bộ vôi bột, lân và 5kg urê khi làm đất để gieo sạ. Việc bón thúc lúa TBR225 được chia làm 2 lần: lần 1 (sau sạ 12-15 ngày) bón 8kg urê, 5kg kali; lần 2 (sau sạ 25-30 ngày) bón 8kg urê, 5kg ka li. Cuối cùng là bón đòng (sau sạ 50-55 ngày) gồm: 4kg urê và 5kg kali.
Nghĩa là quy trình kỹ thuật thâm canh lúa TBR225 không có gì khác biệt mấy so với kỹ thuật thâm canh các giống lúa khác có cùng thời gian sinh trưởng.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, trong thời kỳ sinh trưởng, lúa TBR225 trong vụ mùa này hầu như không xuất hiện sâu bệnh hại đáng kể. Ở giai đoạn lúa chuẩn bị trổ bông do mưa tập trung và dự báo thời tiết trùng với các đợt bão nên Trung tâm hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Vì vậy, cây lúa TBR225 ở đây không bị bệnh đạo ôn cổ bông.
Các hộ tham gia mô hình trong vụ đông xuân vừa qua cũng đánh giá cao chất lượng cơm gạo của lúa TBR225 như: dẻo, có mùi thơm nhẹ phù hợp thị hiếu của nhiều người đúng như thông tin của nhà sản xuất giống cung cấp. Vì vậy, giá lúa TBR225 bán cao hơn các loại lúa khác 1.000 đồng/kg.
Qua 2 vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh bước đầu có kết luận: Giống lúa TBR225 sinh trưởng tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu và điều kiện chăm sóc của người dân địa phương. Thời gian sinh trưởng của lúa TBR225 trong vụ đông xuân 120- 125 ngày, vụ mùa 110 -115 ngày (dài hơn so với lý lịch giống do đơn vị sản xuất cung cấp 10 ngày). Cây lúa cứng, ít bị đổ trong thời tiết mưa và gió lốc của vụ mùa. Ruộng lúa TBR225 trên đồng đất Đăk La hầu như không thấy sâu gây hại xuất hiện. Năng suất lúa TBR225 trung bình ở cả hai vụ đều đạt trên 70 tạ/ha.
Từ kết quả sản xuất, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đề nghị tỉnh đưa giống lúa TBR225 bổ sung vào bộ giống của tỉnh. Đồng thời, Trung tâm cũng khuyến cáo nông dân gieo trồng lúa TBR225 khoảng 11-12 kg/sào; chú ý phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho lúa.
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum về trường hợp nhiều hộ dân ở xã Đoàn Kết và phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) trồng giống lúa TBR225 trong vụ mùa này bị lép hạt, ông Đoàn Năng Rường-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Dưới góc độ chuyên môn, theo tôi trong sản xuất, bà con cần tuân thủ quy trình sản xuất lúa từ khâu giống, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, nhưng quan trọng nhất là mua giống đúng nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo chất lượng. Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh, trong vụ mùa, ở thời kỳ lúa trổ bông thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, bà con nên phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước...
Hiện thành phố Kon Tum đã giao Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông lâm nghiệp thành phố chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố và địa phương kiểm tra, có kết luận chính thức về nguyên nhân gây nên tình trạng lúa lép hạt trên. Báo Kon Tum sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp sau.
Đào Nguyên