26/10/2016 18:01
|
Chương trình phối hợp tập trung vào các nội dung cơ bản: Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, các tổ chức tín dụng trong việc cho vay theo Nghị định số 55; tạo điều kiện cho hội viên nông dân, hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo các khoản vay được thực hiện đúng quy định, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Việc xác định các nội dung ký kết nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan đến việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa thuận ủy thác giữa tổ chức tín dụng với các cấp hội về giải ngân cho vay của các tổ chức tín dụng và sử dụng vốn vay của hội viên.
Thời gian qua, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, dư nợ cho vay theo Nghị định 55 tính đến 30/9/2016 đạt 4.932 tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn, tăng 38,2% so với đầu năm. Có 18.942 khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay vốn 2.934 tỷ đồng (chiếm 59%); khách hàng là doanh nghiệp (80 doanh nghiệp) vay 1.968 tỷ đồng (chiếm 40%); còn lại là hộ kinh doanh. Nguồn vốn vay từ Nghị định 55 đã giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
LS