Kon Plông: Từng bước nâng cao giá trị hạt gạo đỏ

24/08/2016 14:19

Gạo đỏ là đặc sản của huyện Kon Plông và loại gạo này ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Để nâng cao giá trị cho hạt gạo địa phương, huyện Kon Plông đang tích cực xúc tiến xây dựng thương hiệu gạo đỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn chế biến nhiều sản phẩm hàng hoá từ gạo đỏ và từng bước đưa gạo đỏ trở thành loại hàng hoá có giá trị trên thị trường.

Ông Võ Đình Viết – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: Lúa gạo đỏ là giống lúa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, đây là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng đất Kon Plông. Sở dĩ gạo đỏ được coi là mặt hàng đặc sản vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, sản phẩm thuần khiết, chất lượng tốt. Giống lúa này mỗi năm chỉ cấy được một mùa, khoảng tháng 2 – 3 người dân xuống giống gieo mạ, đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì cấy lúa rồi đến tháng 9 – 10 thì thu hoạch. Quá trình từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, cất giữ và sử dụng đều được người dân thực hiện bằng phương pháp thủ công; cây lúa sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời và dinh dưỡng từ đất, nên cho dù hạt gạo khi nấu thành cơm không thơm, dẻo như các giống gạo trắng cấy dưới vùng đồng bằng, nhưng rất đảm bảo về an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng cao. Trước đây, gạo đỏ là loại lương thực chủ yếu của mỗi gia đình đồng bào DTTS, người dân không bao giờ bán lúa, gạo, làm ra bao nhiêu chỉ để ăn, nấu rượu ghè để uống, còn thừa thì để nuôi gà, heo; nhưng mấy năm trước, nhiều người dân ở nơi khác vì ưa chuộng giống gạo sạch này đã tìm đến các hộ dân mua. Từ đó, dần dà người dân biết trao đổi, mua bán. Giờ thì, gạo đỏ Kon Plông không chỉ bó hẹp trong căn bếp của mỗi gia đình đồng bào Xê Đăng mà đang từng bước trở thành loại hàng hoá có giá trị.

Lúa gạo đỏ Kon Plông thường được thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 10. Ảnh: T.H

 

Nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đóng chân trên địa bàn huyện Kon Plông đã tổ chức thu mua lúa, chế biến các sản phẩm từ gạo đỏ cung ứng ra thị trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ, HTX Minh Đức, HTX Thương mại & Dịch vụ nông nghiệp Măng Đen...ngoài việc thu mua lúa, xay xát gạo cho ra sản phẩm gạo lứt, rồi đóng bao bì, nhãn mác để bán cho khách du lịch, người tiêu dùng trên địa bàn huyện; các doanh nghiệp này còn từng bước đa dạng hoá sản phẩm từ nguồn nguyên liệu gạo đỏ.

Rượu gạo đỏ của Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ. Ảnh: T.H

 

Tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ, từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp này đã tiến hành thu mua xay xát, đóng gói gạo, gạo lứt đỏ và bán ra trên thị trường. Đặc biệt, từ năm 2015, công ty đã tiến hành nấu rượu gạo đỏ, bước đầu chỉ với mục đích đa dạng hoá sản phẩm, tăng mức tiêu thụ gạo đỏ; nhưng vì loại rượu nấu từ giống gạo có chất lượng cao nên được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ mạnh. Các sản phẩm này được bày bán tại nhà sách – siêu thị Hoàng Vũ và luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng gạo lứt tiêu thụ mỗi năm từ 20 – 30 tấn, riêng rượu gạo đỏ từ cuối năm 2015 đến nay đã tiêu thụ được khoảng trên 2.000 lít.

Hay như Hợp tác xã Thương mại & Dịch vụ nông nghiệp Măng Đen thì lại có cách khai thác và nâng tầm cho loại gạo đặc sản của địa phương bằng việc sản xuất ra bánh tráng gạo đỏ. Đây là loại đồ ăn thông dụng, dễ sản xuất, dễ dàng vận chuyển và có sức mua khá cao. Sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn huyện, mà còn được nhiều thương lái thu mua mang đi tiêu thụ tại các địa phương khác.

Anh Lê Xuân Long – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Mặc dù, các sản phẩm từ gạo đỏ được người tiêu dùng đánh giá rất cao, sức mua ngày càng lớn; tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm mới chỉ được bày bán chủ yếu tại siêu thị, các cửa hàng trên địa bàn huyện chứ chưa đủ điều kiện vào được hệ thống các nhà phân phối, siêu thị chính hãng của tỉnh và rộng hơn nữa là trên toàn quốc. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư dây chuyền sản xuất lớn, bài bản, rồi đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ, chưa được cấp các giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm mà chủ yếu làm theo manh mún, nhỏ lẻ...Vì thế, để nâng cao giá trị cho hạt gạo đỏ của địa phương, từ đó, tạo cơ hội để người dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập; Sở Công thương và huyện Kon Plông đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc chế biến các sản phẩm từ gạo đỏ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với huyện Kon Plông, địa phương đã tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu gạo đỏ với khoảng 200 ha tập trung ở một số xã Măng Bút, Đăk Long, Hiếu; trong đó, xã Măng Bút chiếm phần lớn diện tích với khoảng 150 ha. Hiện tại, huyện đang  phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể đăng ký và sử dụng thương hiệu này.

 Vừa qua, Sở Công thương đã trích nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền chế biến rượu gạo đỏ. Đồng thời, ngành Công thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình đăng ký, xây dựng tên tuổi cho sản phẩm rượu gạo đỏ, giới thiệu các thị trường, cơ hội hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để doanh nghiệp khai thác và từng bước mở rộng thị phần cho sản phẩm.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, cùng với những hướng đi tích cực của các doanh nghiệp, gạo đỏ Kon Plông chắc chắn sẽ ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường và giá trị hàng hoá sẽ từng bước được nâng cao. Từ đó, sẽ tạo điều kiện để khuyến khích người dân bảo tồn giống lúa quý và mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác