Kon Plông chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

20/09/2024 13:13

Xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyên sâu, hiệu quả, những năm qua, huyện Kon Plông tập trung mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực nông nghiệp, đạt kết quả tích cực.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Quang Hà- Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, UBND huyện Kon Plông cử đoàn cán bộ đến một số tỉnh, thành phố học tập, nghiên cứu, khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, trao đổi, ký kết một số văn bản hợp tác với nhiều đơn vị như Viện Nghiên cứu rau, quả; Viện Nông hoá thổ nhưỡng, Viện Di truyền nông nghiệp; Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

UBND huyện Kon Plông cũng đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, xã, thị trấn tích cực vận động, hỗ trợ người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chủ động liên kết, liên doanh phát triển, hình thành các vùng trồng tập trung, có chất lượng, hiệu quả đối với các nhóm cây chủ lực như cà phê xứ lạnh, dược liệu, cây ăn quả, cây chè.

Lãnh đạo UBND các xã và HTX ký kết bản liên kết chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho nhân dân. Ảnh: Q.Đ

 

Mặt khác, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các dự án liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ; thực hiện số hoá cơ sở dữ liệu nông nghiệp để xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, phục vụ công tác quy hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp dài hạn.

Đến nay, huyện Kon Plông xây dựng và phát triển hơn 220ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trong đó, sản xuất trong nhà màng, nhà kính 30ha; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 210ha. Toàn huyện có 23 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 5 trang trại, 10 hộ sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Có 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; 1 tổ hợp tác (10 hộ) được cấp chứng nhận VietGap; 1 vùng sản xuất lúa gạo đỏ 20ha được cấp chứng nhận VietGap.

Huyện cũng đã hỗ trợ 18 tổ chức, cá nhân làm mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh lập hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp 25 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông là đơn vị “chủ lực” được UBND huyện giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng Trung ương nghiên cứu, ươm giống, nhân giống, xây dựng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc để cung cấp cho các tổ chức, hộ gia đình sản xuất.

Kon Plông hỗ trợ doanh nghiệp trồng sâm dây thủy canh, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QĐ

 

Thời gian qua, Trung tâm triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nhân giống một số cây trồng như mô hình sản xuất hoa ly trên địa bàn xã Măng Bút với 2.500 cây; mô hình cây lê nâu, cây cherry (trong đó gieo ươm, ghép được 800 cây lê nâu, 800 cây cherry). Trung tâm đã tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc cây cà phê cho  375 hộ dân các xã Pờ Ê, Măng Bút, Đăk Tăng...

Trung tâm cũng đã xây dựng quy trình, kỹ thuật hướng dẫn người dân chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản, lợn thịt; phối hợp với các địa phương trên địa bàn huyện triển khai 74 dự án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo; xây dựng chuỗi liên kết trồng, chế biến cà phê xứ lạnh, chè xanh, chè Ô Long.

Ông Phạm Thanh- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết, đơn vị đang triển khai thí điểm mô hình siêu thâm canh cây sâm dây với mật độ 330 củ/1m2 với hướng chỉ thu lá, thí nghiệm cách thức bảo quản lá để vận chuyển xa và thu cọng để chế biến trà túi lọc. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp trồng, tiêu thụ sản phẩm su su quả và ngọn ở thị trường Cần Thơ (đã xuất 3 đợt với 10 tấn quả, 450 kg ngọn).

Trồng thử nghiệm các giống cây mới như cây atiso, kim ngân hoa, cây lồng đèn, ớt chuông baby, bí sợi, dưa, táo, các giống hoa hồng, thược dược, 2.000 cây lan giả hạc, 500 m2 nho ôn đới, cây lê ghép, cây mận hậu, cheery, việt quất; ghép thử nghiệm hoa anh đào Nhật Bản trên cây mai anh đào Măng Đen, cây phong Mỹ trên cây phong bản địa.

Trung tâm cũng đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình trồng 4ha cải thảo Hàn Quốc, cây đang phát triển tốt. Cung cấp giống cho các đơn vị sản xuất rau xà lách các loại; duy trì sản xuất cà chua lớn, cà chua bi, dâu tây, dưa leo baby, bí Nhật, ớt chuông, cà rốt mini, bắp cải mini. Bên cạnh đó, tổ chức gieo ươm các loại cây mai anh đào, muồng tím, tùng bách tán, pơmu, thông, cà phê Arabica. Triển khai mô hình trồng lúa năng suất cao ST25 cho nhân dân xã Đăk Nên và xã Đăk Ring với diện tích 6ha. Hỗ trợ 5 hộ dân xã Đăk Nên, Ngọc Tem trồng thử nghiệm 120 cây sầu riêng. Triển khai mô hình trồng 1.400 cây  chuối năng suất cao (giống Tây Thái, Laba, Nam Mỹ) tại xã Đăk Nên. Hỗ trợ 10.000 cây giống cà phê Arabica, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nhân dân xã Măng Cành.

Thời gian tới, huyện Kon Plông chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp dịch vụ-du lịch gắn với thực hiện hiệu quả các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp như vùng cà phê xứ lạnh Măng Đen (Arabica), vùng chè (Đông Trường Sơn) ở xã Hiếu, Pờ Ê và các xã có điều kiện thuận lợi phát triển. Xây dựng, đăng ký, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.     

Quang Định

Chuyên mục khác