Kinh doanh xăng dầu, gas còn nhiều bất cập

28/11/2016 20:17

Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh xăng dầu, gas trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như: Gian lận đo lường để “móc túi” người tiêu dùng, cháy nổ, thiếu an toàn... vẫn là nỗi lo thường trực.

Chuyển biến nhưng chưa hết lo

Trong tháng 10 và đầu tháng 11, Sở Công thương đã tiến hành kiểm tra toàn bộ cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas nằm trong quy hoạch và một số điểm kinh doanh xăng, dầu gas nhỏ lẻ.

Theo đánh giá ban đầu, nhìn chung ý thức chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu và gas của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến hơn trước.

Các cơ sở thực hiện tốt các quy định về giá, niêm yết giá rõ ràng tại địa điểm bán, trước mỗi lần tăng giá không còn hiện tượng bán hàng cầm chừng hoặc ngừng bán găm hàng chờ giá lên, việc thực hiện các quy định về đo lường cũng ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính về hóa đơn, chứng từ, sổ sách, ghi nhãn hàng hóa tại cửa hàng cũng được các cơ sở thực hiện tương đối đầy đủ.

Người lao động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu đều đã được các doanh nghiệp cử đi đào tạo và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về các nghiệp vụ liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc kinh doanh xăng dầu, gas đã hoàn toàn yên tâm, bởi thực tế vẫn còn nhiều vấn đề mà ngành chức năng chưa phát hiện được.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: T.H

 

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, gian lận trong đo lường vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhưng rất khó phát hiện bởi các cơ sở ngày càng có nhiều cách thức gian lận rất tinh vi và các chiêu trò để “né” lực lượng chức năng.

Trong khi đó, việc kiểm tra lại không thể thường xuyên, liên tục; chưa kể đến các cửa hàng còn thường xuyên có sự trao đổi về thông tin nên khi kiểm tra một số cửa hàng đầu tiên thì tất cả các cửa hàng khác thường biết trước và chủ động tìm cách đối phó.

Mặt khác, phần đông người tiêu dùng nếu có phát hiện doanh nghiệp, cửa hàng bơm xăng, dầu thiếu cho mình cũng không báo về cơ quan chức năng mà chủ yếu tự giải quyết, dẫn đến cơ quan quản lý không nắm được thông tin nên không có cơ sở xử lý.

Với các cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh, hiện nay, hầu như đều có chung thực trạng là quy mô nhỏ lẻ, các cửa hàng đều không có hệ thống kho dự trữ mà chỉ có khu vực bồn chứa ngay tại cửa hàng phục vụ cho mục đích bán lẻ.

Qua công tác kiểm tra cũng cho thấy, rất nhiều đại lý vẫn không thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ theo quy định; cán bộ, nhân viên của các cửa hàng không được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ. Một số cửa hàng gas nằm ngay trong khu vực đông dân, gần các cửa hàng ăn uống không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ...

Lộn xộn kinh doanh xăng dầu, gas ở nông thôn

Ở những khu vực thành phố, thị trấn, vùng thuận lợi, việc kinh doanh xăng dầu, gas đang từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, ở các khu vực nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, việc kinh doanh những mặt hàng có điều kiện này lại đang vô cùng lộn xộn. Ngoài một số cơ sở kinh doanh có quy mô, được các ngành chức năng cấp phép, vẫn tồn tại không ít “cửa hàng xăng dầu mini” với vài can xăng dầu hoặc cột bơm tay thô sơ, vài bình gas.

Hầu hết các cửa hàng này đều không có giấy phép kinh doanh xăng dầu, gas, không có hợp đồng với các đơn vị cung ứng, không có phương tiện phòng cháy, chữa cháy... Thậm chí, ở nhiều cửa hàng, việc sang chiết bình gas mini vẫn diễn ra.

Ở nông thôn, thực tế các cửa hàng bán năm bảy bình gas tồn tại khá phổ biến. Ảnh: T.H

 

Trong một lần đi công tác tại huyện Kon Plông, chúng tôi ghé vào cửa hàng tạp hoá T.H (thôn Măng Đen, xã Đăk Long) đổ 1lít xăng đựng sẵn trong loại can 1lít, được chủ quán cho biết đây là xăng RON92 với giá 20.000 nghìn đồng, nhưng thực tế loại can này không bao giờ đủ thể tích 1 lít.

Tại đây, chúng tôi quan sát thấy có khoảng 5 can xăng nhỏ loại 1- 2 lít được đặt ngay ngoài lề đường mặc mưa nắng chiếu vào mà không có bất kỳ sự che chắn nào, 1 chiếc can lớn chừng 30 lít đặt sát với những mặt hàng thực phẩm khô, sau khi có người đổ xăng, chủ quán lại rót từ can lớn sang can nhỏ để trưng bày ra lề đường.

Chủ cửa hàng này cho biết: Tôi đâu nghe nói có quy định cấm bán xăng đựng trong can, chai; lực lượng chức năng cho phép nên tôi mới bán chứ.

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Kon Plông mà hầu như ở tất cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Đành rằng, ở vùng sâu, vùng xa, hệ thống cửa hàng bán xăng, gas đủ tiêu chuẩn còn ít nên việc các điểm bán lẻ xăng dầu, gas tồn tại cũng là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu như những chủ điểm kinh doanh kiểu này thường không có kiến thức và phương tiện về phòng cháy và chữa cháy, xăng được dự trữ và bán cùng với các loại hàng hóa khác không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao...

Từ thực tế đó cho thấy, việc kinh doanh xăng dầu, gas trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh; các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý để thiết lập trật tự trong kinh doanh xăng dầu, gas nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, an toàn cho cuộc sống của người dân.

Thiên Hương

Chuyên mục khác click to expand contents 

loading