04/11/2016 13:55
Khởi động đầu tiên là các nhà vườn trồng hoa cúc đại đóa, sau đó sẽ là các giống cúc pha lê, kim, rồi hoa lay ơn… Tùy theo các loại hoa mà nhà vườn tính thời điểm xuống giống phù hợp.
Tại các nhà vườn ở phường Thắng Lợi, không khí vào vụ hoa mới khá nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Mùi ở tổ 4 cho biết: Những nhà vườn ở đây phải làm trước các khâu đúc chậu, ủ đất, đặt giống… lợi nhuận từ trồng hoa phục vụ thị trường Tết cao gấp 3-4 lần so với sản xuất rau và không tốn nhiều diện tích cũng như chi phí để sản xuất.
Theo các nhà vườn chuyên trồng hoa cúc, hàng năm, khoảng đầu tháng 10 âm lịch, bà con bắt đầu xuống giống hoa cúc. Trong các loại hoa Tết, cúc được xếp vào hàng “đỏng đảnh” nên người trồng khá nhọc công chăm sóc. Để có một chậu cúc đẹp, trúng Tết, nhà vườn phải trải qua 4 công đoạn chăm sóc từ làm đất, xuống giống, lặt nhánh và cắm tăm. Những năm gần đây, các nhà vườn áp dụng kỹ thuật “đánh thức” cúc bằng cách chong đèn suốt đêm.
Ông Nguyễn Hữu Đạt - người trồng hoa cúc ở thôn Kon Tu 2, xã Đăk Blà cho hay: Năm ngoái, 50% số chậu cúc của gia đình bị nở muộn. Rút kinh nghiệm, năm nay, gia đình tôi không xuống giống đồng loạt mà chia vụ trồng ra thành nhiều đợt với nhiều loại, cỡ cúc khác nhau. Năm nay, tôi cũng tập trung chăm sóc cho cúc ngay từ những ngày đầu tiên để giúp cây phát triển.
Với công nghệ trồng trọt phát triển và kinh nghiệm lâu năm canh tác của bà con nông dân, hoa cúc đại đóa ngày nay có dáng cây cao vút, bụi hoa xòe lớn…; chậu cây cao có khi gần đầu người, hoa chi chít. Giá thành mỗi chậu hoa cúc đại đóa (10 cây) bán trong ngày giáp Tết thường từ 150.000- 200.000 đồng, người yêu hoa dễ dàng sở hữu những chậu cây hoa vàng rực trong nắng vào những ngày xuân.
Ở phường Trường Chinh và xã Đăk Blà, những năm gần đây nhiều nhà vườn đã trồng thành công hoa lay ơn.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Kon Tu 2, xã Đăk Blà cho biết: Năm 2015, ông đầu tư trồng 15.000 cây lay ơn. Với giá bán 8.000 -10.000 đồng/cây, ông thu lãi được gần 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Nhu cầu tiêu thụ hoa lay ơn vào dịp Tết ở Kon Tum là rất cao. Việc trồng loại hoa này chỉ tốn tiền đầu tư giống ban đầu, phân bón, nhưng ít tốn công chăm sóc, tưới nước như các loại hoa khác, mà giá trị kinh tế rất cao.
Ngoài việc trồng hoa cúc truyền thống, giờ đây nhiều nhà vườn ở thành phố Kon Tum cũng đang phát triển trồng hoa lay ơn. Nghề trồng hoa góp phần làm đẹp cho đời và cũng giúp cho các hộ gia đình ở các phường Thắng Lợi, Trường Chinh và xã Đăk Blà có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
|
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng, mùa hoa Tết ở Kon Tum đã bắt đầu khởi động, nhưng nhiều chủ nhà vườn vẫn không khỏi lo ngại trước biến chuyển khôn lường của thời tiết và sự bấp bênh của thị trường.
“Hiện giờ thì điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nhưng không biết sắp tới thế nào. Gần đây, với những biến đổi khí hậu, các nhà vườn cũng chẳng thể lường trước hay dự đoán được gì. Giờ chỉ biết cầu mong mưa thuận gió hòa, thị trường ổn định để cái tết vui vẻ đến với mọi nhà và đến cả với người trồng hoa.” - ông Dũng chia sẻ.
Dương Lê