Khẳng định giá trị sâm Ngọc Linh qua các nghiên cứu khoa học

21/05/2025 06:02

Sâm Ngọc Linh là loài sâm quý hiếm và đặc hữu của núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam, được khoa học hiện đại và y học cổ truyền ghi nhận có giá trị dược lý cao. Hội thảo khoa học Các nghiên cứu mới về Sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng được UBND tỉnh tổ chức ngày 15/5 với nhiều công trình nghiên cứu các của các chuyên gia, nhà khoa học được nêu ra tiếp tục khẳng định rõ nét giá trị đặc biệt của sâm Ngọc Linh – “Quốc bảo”của Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học Các nghiên cứu mới về sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng nhiều công trình nghiên cứu với những phát hiện mới về giá trị của sâm Ngọc Linh đã được nêu ra. Ảnh: TH

 

Xác định rõ tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của sâm Ngọc Linh, Tỉnh ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19/5/2022 "về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh và đến năm 2030 có khoảng 10.000 ha sâm Ngọc Linh. Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đến nay, tỉnh ta đã trồng được khoảng 2.922 ha Sâm Ngọc Linh. 

Ông Hoàng Trung Thông – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Trải qua 52 năm kể từ khi được phát hiện đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về sâm Ngọc Linh, từng bước làm sáng tỏ những đặc điểm hình thái, giải phẫu, thành phần hóa học và tác dụng sinh học của loài sâm này. Sự quan tâm của giới khoa học đối với sâm Ngọc Linh không chỉ dừng lại ở yếu tố “quý hiếm” hay “đặc hữu”, mà ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn như sinh học phân tử, công nghệ sinh học, hóa dược, sinh lý học, công nghệ chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, quản trị chất lượng và phát triển sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.

Hội thảo khoa học “Các nghiên cứu mới về sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng” với những công trình nghiên cứu mới nhất, những phát hiện mang tính đột phá về thành phần hóa học, tác dụng dược lý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong cả nước đã góp phần khẳng định rõ hơn những công dụng, tiềm năng dược lý của sâm Ngọc Linh, cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận (công tác tại Trường Đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh), sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) là loài đặc hữu của Việt Nam, được ghi nhận có giá trị y học và dược lý vượt trội nhờ vào thành phần hóa học đa dạng và độc đáo. Tổng hợp thành phần hóa học đã xác định được 291 hợp chất trong các bộ phận của sâm Ngọc Linh, trong đó, các saponin nhóm ocotillol như majonosid-R2, vinaginsenosid-R2 là những hợp chất đặc trưng, tạo nên sự khác biệt về dược tính và giá trị của sâm Ngọc Linh. Vì vậy, sâm Ngọc Linh có khả năng ứng dụng trong các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và tiềm năng phát triển dược phẩm để điều trị stress tâm lý, kháng viêm, tổn thương gan...

Theo các tài liệu nghiên cứu đã được công bố, sâm Ngọc Linh mọc hoang có tác dụng tăng lực, chống stress, cải thiện trí nhớ, bảo vệ gan, điều hòa đường huyết, tăng cường miễn dịch... Tuy nhiên, hiện nay nguồn sâm sử dụng trên thị trường chủ yếu là từ nguồn trồng. Do đó, để phát triển và nâng cao giá trị sử dụng của sâm Ngọc Linh một cách bền vững và hiệu quả, nhóm nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (công tác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng) đã tiến hành nghiên cứu tác dụng dược lý của sâm Ngọc Linh trồng 6 tuổi, cùng các tác dụng dược lý nổi bật của một số saponin nhóm occotilol chỉ có trong sâm Ngọc Linh. 

Giá trị của sâm Ngọc Linh được các chuyên gia, nhà khoa học, người tiêu dùng biết đến, dày công nghiên cứu và đón nhận rộng rãi. Ảnh: TH

 

Tiến sĩ Dương Hồng Tố Quyên - Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Nhóm đã khảo sát một số tác dụng dược lý của cao chiết từ sâm Ngọc Linh trồng 6 tuổi trên các thực nghiệm ở chuột nhắt trắng. Kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết toàn phần từ sâm Ngọc Linh trồng trên thực nghiệm cho kết quả tương đồng với các công bố trước đây trên sâm Ngọc Linh mọc hoang. Đặc biệt, thành phần saponin thuộc nhóm ocotillol (M-R1, M-R2, V-R2) có tác dụng chống stress tâm lý. Đây là tiền đề để phát triển các nghiên cứu tiếp theo sâu hơn theo hướng ứng dụng cũng như nâng cao giá trị sử dụng của sâm Ngọc Linh trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Vũ Kim Long (công tác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng), nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quá trình hấp ở nhiệt độ và áp suất cao làm tăng đáng kể tác dụng bảo vệ thận của sâm Ngọc Linh khỏi tổn thương do cisplatin – một trong những thuốc hóa trị đầu tay trong điều trị ung thư. Từ sâm Ngọc Linh chế biến, tám hợp chất saponin (20 (R,S)-G-Rg3, 20(R,S)-G-Rh2, G-Rk1, G-Rg5, ocotillol genin và panaxynol) đã được phân lập và chứng tỏ tác dụng bảo vệ thận rõ rệt.

Không chỉ củ Sâm, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã có những nghiên cứu, đánh giá sâu về thành phần hóa học của lá sâm Ngọc Linh.

Giáo sư, Tiến sĩ Tôn Thất Quang (công tác tại Trường Đại học học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Chúng tôi sủ dụng nguyên liệu lá sâm Ngọc Linh các độ tuổi (4, 6, 8, 10) được thu hái ở vùng sâm Ngọc Linh trọng điểm của tỉnh, điều chế các loại cao tương ứng. Sau khi tiến hành phân lập, phân tích, xác định cấu trúc các hợp chất phân lập được bằng các phương pháp hóa lý hiện đại đã xác định được cấu trúc 30 hợp chất tinh khiết, trong đó, có 15 hợp chất saponin.

Nghiên cứu góp phần mở hướng cho việc xây dựng quy trình điều chế cao tiêu chuẩn và ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm từ lá sâm Ngọc Linh như Trà túi lọc/hòa tan, cao/cao mật ong, siro, bánh, viên nang mềm/sủi, nước uống...

Các bài nghiên cứu được nêu ra trong Hội thảo đã góp phần củng cố giá trị đặc hữu của sâm Ngọc Linh. Với hơn 86 hợp chất saponin đã được xác định, đặc biệt là nhóm ocotillol độc đáo (như MR2) chỉ có trong sâm Ngọc Linh mà không có trong các loài nhân sâm khác, đã tạo nên tính đặc trưng và ưu việt của sâm đặc hữu nước ta; tác dụng tăng lực, chống stress tâm lý, bảo vệ gan, thận, tăng cường miễn dịch... có giá trị quý báu đối với sức khỏe cộng đồng và nền y học hiện đại.

Qua đây, giúp các cấp, ngành tiếp tục có thêm định hướng, kế hoạch nhằm xây dựng, phát triển vùng trồng tiêu chuẩn gắn với chế biến sâu và thương mại hóa sản phẩm; chuyển từ khai thác đơn thuần sang phát triển công nghiệp dược liệu hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Thùy Hương

 

Chuyên mục khác