19/09/2016 08:58
Bằng những việc làm thiết thực từ công tác quy hoạch, bảo vệ nguồn tài nguyên; chấn chỉnh hoạt động khai thác; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ khai thác của các cấp, các ngành và các địa phương; Kon Tum đã và đang từng bước hiện thực hoá mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách bền vững.
|
Theo đánh giá của Sở Công thương, qua công tác khảo sát, điều tra sơ bộ, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh tuy đa dạng về chủng loại, nhưng lại có trữ lượng không lớn và phân bố tản mạn, không tập trung, nên hiện nay hoạt động khai thác mới chỉ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực khai thác đá, cát, sạn sỏi và sét làm vật liệu xây dựng thông thường. Để khai thác tiềm năng khoáng sản này một cách hiệu quả, hướng đến bền vững, tỉnh đã đề ra những định hướng và giải pháp thực hiện rất đồng bộ, thiết thực.
Trước hết, từ năm 2014, Sở Công thương, Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với các địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế nguồn tài nguyên khoáng sản; đưa ra quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.
Ngày 24/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, toàn tỉnh có 193 điểm nằm trong quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dụng thông thường, than bùn; 1.111 vị trí, khu vực, tuyến nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch này là cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng quản lý cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững.
Đồng thời, việc phân kỳ công tác thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo từng thời kỳ này sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; từng bước tăng dần giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng.
Trên thực tế, việc quy hoạch khoáng sản của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả trong quản lý hoạt động khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng của tỉnh, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song với công tác quy hoạch, UBND tỉnh cũng đã ban hành phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời những trường hợp vi phạm quy hoạch; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc thăm dò, khai thác khoáng sản, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác liên quan; thực hiện nghiêm quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi có đầy đủ kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về khoáng sản và hoạt động khai thác cho các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng được các địa phương, ngành chức năng tích cực thực hiện.
Từ đó, từng bước đã làm thay đổi hành vi và thái độ của người dân; có ý thức, trách nhiệm về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên; tích cực đấu tranh với các hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản.
Đồng thời, các ngành chức năng cũng tích cực vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại hóa công nghệ khai thác khoáng sản, nhằm giảm thiểu tổn thất, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác.
Thực tế chứng minh rằng, công tác quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã và đang có những chuyển biến đáng kể, hoạt động khai thác bước đầu đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu về vật liệu cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thiên Hương