Hướng thoát nghèo từ mô hình nuôi heo rừng

27/10/2014 11:04

Heo rừng rất tạp ăn nhưng một ngày chỉ cần cho heo ăn cám vào 2 lần: sáng, tối. Còn thời gian trong ngày, heo tự đi kiếm rau, cỏ, củ, quả trong vườn ăn thêm nên việc chăn nuôi rất nhàn
Ông Nguyễn Văn Tịnh có thu nhập cao từ việc nuôi heo rừng. Ảnh: T.X

 

Từ năm 2010 đến nay, Trạm Khuyến nông và dịch vụ nông lâm nghiệp (Trạm KN&DV-NLN) huyện Đăk Glei đã triển khai xây dựng mô hình nuôi heo rừng. Qua 4 năm triển khai, mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo.

Trao “cần câu” và hướng dẫn cách “câu”

Được Trạm KN&DV-NLN tập huấn bài bản về kĩ thuật chăn nuôi, lại được cho mượn 9 con heo rừng (2 đực và 7 nái) làm giống, đến nay, chị Y Hai ở thôn Ri Nầm, xã Đăk Môn đã phát triển đàn heo rừng lên tới 30 con.

“Nhờ đàn heo này mà kinh tế nhà mình đỡ hơn rất nhiều, không phải chật vật lo từng đồng mắm, đồng muối nữa” – chị Y Hai chia sẻ.

Năm 2010, thấy heo rừng đem lại giá trị kinh tế cao nhưng người dân chưa biết cách chăn nuôi, Trạm KN&DV-NLN của huyện đã có ý tưởng giúp người dân phát triển mô hình nuôi heo rừng.

Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, nhận thấy khí hậu, địa hình, nguồn thức ăn đều thuận lợi cho việc chăn nuôi heo rừng, Trạm bắt tay vào triển khai mở lớp tập huấn về kĩ thuật, hướng dẫn cho người dân cách chăn nuôi, phòng bệnh, trị bệnh, cách chăm sóc heo sinh sản và heo sữa…

Sau khi giúp bà con nắm bắt được những kiến thức nuôi heo rừng cơ bản, cán bộ Trạm KN&DV-NLN đã đến tận nhà các hộ dân, hướng dẫn cách rào vườn, làm chuồng…

Chị Bùi Thị Liên - cán bộ kĩ thuật Trạm KN&DV-NLN cho biết: Heo rừng không thuần như heo nhà, nếu chuồng trại không được rào cẩn thận, heo sẽ phá hoại hoa màu. Chính vì thế, chúng tôi đi từng hộ hướng dẫn cách làm chuồng đúng quy cách, nếu hộ nào không rào chuồng trại cẩn thận, chúng tôi sẽ không triển khai mô hình tại hộ đó.

Để tạo điều kiện cho người dân, Trạm KN&DV-NLN đã hỗ trợ theo hình thức: cho mượn giống để chăn nuôi, phát triển mô hình. Tùy theo nhu cầu của người dân, Trạm sẽ cho mượn ít nhất một cặp heo để làm giống. Sau khoảng 3 năm, các hộ hoàn trả lại con giống có trọng lượng từ 12-14kg để Trạm tiếp tục luân chuyển cho các hộ khác mượn.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Trưởng trạm KN&DV-NLN huyện Đăk Glei cho biết: Những hộ nghèo không có vốn mua heo, cách làm này sẽ là bước đệm để họ phát triển kinh tế. Đặc biệt, nếu hộ nào làm tốt, mô hình này sẽ là cơ hội để họ bứt phá, thoát khỏi đói nghèo.

Bên cạnh việc tập huấn, làm trại, cho mượn giống, trong 3 năm đầu, Trạm còn cung cấp cả thuốc thú y, thường xuyên xuống kiểm tra, hỗ trợ thêm kĩ thuật, giúp đỡ người dân cách chăm sóc heo sinh sản, heo con…

Với sự quan tâm chu đáo của trạm, cùng sự cố gắng, nỗ lực của bà con, đến nay hầu hết các hộ gia đình đều thành công trong việc chăn nuôi heo rừng.

Hiệu quả cao

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi nuôi khoảng 1-2 năm, đa số các hộ dân đã có thể hoàn trả giống. Cụ thể như nhà ông Đinh Xuân Hùng, ở thôn 5, thị trấn Đăk Glei. Năm 2011, ông mượn của Trạm 7 con heo nái, 2 con heo đực để làm giống, đến giữa năm 2012 đã hoàn trả giống đầy đủ và có bầy heo 20 con.

Hay như nhà ông Nguyễn Văn Tịnh (thôn 14B, xã Đăk Pét, thị trấn Đăk Glei) chỉ sau một năm, vừa nuôi vừa bán, bầy heo của ông đã lên đến hơn 20 con. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tịnh phấn khởi: Heo rừng đẻ cũng giống heo nhà vậy, chỉ hơn 3 tháng là bắt đầu sinh sản lại nên gây giống rất nhanh. Đặc biệt, heo rất dễ nuôi, giá thành lại cao nên thu nhập rất ổn định.

Theo những người nuôi heo nơi đây, heo rừng rất tạp ăn nhưng một ngày chỉ cần cho heo ăn cám vào 2 lần: sáng, tối. Còn thời gian trong ngày, heo tự đi kiếm rau, cỏ, củ, quả trong vườn ăn thêm  nên việc chăn nuôi rất nhàn. Đặc biệt giá heo rừng ổn định, dao động từ 120-150 ngàn đồng/kg, đầu ra lại thuận lợi nên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Như bà Y Hai, từ khi nuôi, khách từ các nơi tìm vào mua heo rất đông nên dù đã mở rộng, nuôi thêm nhiều heo thịt nhưng nhà bà vẫn trong tình trạng không có đủ heo để cung ứng. “Một con heo nhỏ tầm 10kg tôi đã bán được hơn 1 triệu đồng. Thu nhập từ việc bán heo rừng đã giúp nhà tôi thoát khỏi đói nghèo, sắp tới, tôi sẽ tận dụng đất, mở rộng vườn và nuôi nhiều hơn nữa” – bà Y Hai cho biết.  

Với thành công bước đầu, Trạm KN&DV-NLN tiếp tục nhân rộng ra cho nhiều hộ dân khác. Trong 2 năm 2010 và 2011, Trạm chỉ thí điểm tại 3 hộ nhưng đến nay đã hỗ trợ và giúp đỡ được 10 hộ gia đình.

Còn về phía các hộ dân, sau khi trả con giống và có đủ kinh nghiệm để tự nuôi heo rừng một cách hiệu quả, họ đã để lại giống, hướng dẫn cho bà con, người thân cách nuôi heo để phát triển. Hiện tại, ở Đăk Glei có khoảng 40 hộ dân đã tự áp dụng mô hình này để nâng cao thu nhập.

Hi vọng với nỗ lực, tiếp sức của Trạm KN&DV-NLN huyện Đăk Glei cùng với sự cố gắng của bà con, mô hình này sẽ tiếp tục phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Hoài Tiến- Ngô Xuân 

Chuyên mục khác