Hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

12/08/2016 15:41

Đi lên từ khó khăn và trên cơ sở những thành tựu đạt được, ngành Nông nghiệp đã tham mưu tỉnh tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đi lên từ khó khăn

Từ trong điêu tàn của cuộc chiến tranh, sau giải phóng, Tỉnh ủy Gia Lai -Kon Tum đã lãnh đạo nhân dân tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, giãn dân ra vùng ven, khai hoang phục hóa, xây dựng đồng ruộng và làm thủy lợi để bảo đảm lương thực, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân. Những năm sau đó, cùng với phong trào hợp tác xã, thanh niên xung phong, người dân Kon Tum đã từng bước đảm bảo được lương thực và đưa cây công nghiệp dài ngày vào phát triển.

Tuy nhiên, do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài, các hợp tác xã không phát huy được sức lao động sáng tạo của người lao động, sản xuất có lúc, có nơi bị đình đốn. Sản xuất nông nghiệp và nông thôn ở tỉnh chỉ thật sự phát triển mạnh sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là sau khi chia tách tỉnh năm 1991.

Với Kon Tum, sau khi thành lập lại, bằng các chương trình phát triển kinh tế đúng đắn qua việc thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cùng sự đầu tư mạnh của Trung ương cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các chương trình định canh định cư, di dân xây dựng vùng kinh tế, xây dựng nhà tình nghĩa, phát triển thủy lợi, phủ điện nông thôn, phát triển cây công nghiệp (mía, cà phê, cao su…), ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp… sản xuất nông nghiệp ở tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Nông dân phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) mở rộng diện tích trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: TB

 

Theo đánh giá, thông qua việc thực hiện các chủ trương chính sách này và cùng với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mạnh cây công nghiệp dài ngày, đến nay, tỉnh Kon Tum hình thành các vùng chuyên canh cây cà phê ở huyện Đăk Hà; cao su ở Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum; mía ở thành phố Kon Tum… So với năm 1991, thì năm 2015 sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh đạt 117.650 tấn, tăng 2,5 lần (trong đó riêng thóc 90.650 tấn, tăng 2,1 lần); diện tích cà phê đạt 15.270 ha (tăng gấp 5 lần), sản lượng 35.900 tấn; diện tích cao su 74.800 ha, sản lượng 47.800 tấn... Nhờ vậy, tỉnh không chỉ xóa được nạn đói giáp hạt, bảo đảm an ninh lương thực, mà còn xây dựng được các nhà máy chế biến nông sản mía, cao su, cà phê, mỳ và có nhiều sản phẩm cà phê, cao su, mỳ… xuất khẩu. 

Xây dựng thương hiệu và hướng đến sản xuất công nghệ cao

Trước yêu cầu sự đổi mới và phát triển, nhiều doanh nghiệp đã gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm như cà phê bột nguyên chất Đăk Hà, Da Vàng, Sáu Nhung, Huy Hùng, cao su Kon Tum, tinh bột sắn ViNa Kon Tum… Đặc biệt, thương hiệu cà phê bột nguyên chất Đăk Hà với “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” của Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà được người tiêu dùng bình chọn TOP 500 sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam, hàng Việt Nam chất lượng cao, TOP 20 sản phẩm người tiêu dùng tin cậy và CUP vàng tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.

Nhiều giống lúa mới cho năng suất cao được đưa vào sản xuất. Ảnh: VN

 

Được sự quan tâm và tạo điều kiện của tỉnh, những năm gần đây, một số doanh nghiệp còn hướng vào phát triển thêm một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa xứ lạnh, cá hồi, cá tầm (Kon Plông), sâm Ngọc Linh (Tu Mơ Rông)... để vừa phát huy lợi thế, vừa da dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, diện tích sâm Ngọc Linh từ vài héc ta ban đầu, nay phát triển gần 200ha. Việc thực hiện quy hoạch và Dự án "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh” với số vốn đầu tư gần 570 tỷ đồng, đang mở ra cơ hội mới cho địa phương có cây sâm Ngọc Linh.

Chăn nuôi cũng có bước phát triển, nhất là đàn bò lai, heo lai, heo hướng nạc... tăng nhanh. Mặc dù có nơi, có lúc dịch bệnh xảy ra gây tác động xấu cho chăn nuôi, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân đầu người tăng từ 17kg năm 1991 lên 40kg năm 2015. Hiện nay, dự án nuôi dê sữa tại huyện Kon Plông được đánh giá có quy mô lớn, nếu thành công mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi.

Trong nuôi trồng thủy sản, ngoài các loài thủy sản truyền thống, những năm gần đây, tỉnh quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển cá hồi, cá tầm. Mặc dù đầu ra sản phẩm trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhưng dự báo kinh tế phục hồi, con cá hồi, cá tầm cũng sẽ có một vị thế ở Măng Đen. Bên cạnh đó, thông qua một số chương trình dự án, đề tài khoa học, các cơ quan khuyến nông, doanh nghiệp và người dân nuôi nhiều loài cá mới như diêu hồng, bống tượng, lăng nha thành công và có hiệu quả kinh tế cao.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, với việc phát triển vùng nguyên liệu giấy và gần đây là việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tài nguyên rừng ngày càng được quản lý có hiệu quả. Theo đánh giá, tính đến nay, toàn tỉnh có 3.642 hộ gia đình, 22 cộng đồng được Nhà nước giao trên 45.000ha đất, rừng; 5.073 hộ gia đình, 73 cộng đồng thôn và 30 nhóm hộ được các chủ rừng là các tổ chức giao khoán bảo vệ gần 160.000ha rừng từ chính sách DVMTR. Tham gia bảo vệ rừng, người dân sống gần rừng có điều kiện cải thiện và nâng cao đời sống; các chủ rừng có điều kiện phát triển rừng bền vững hơn.

Trên lĩnh vực nông thôn, nhất là việc tập trung triển khai thực hiện  Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình, tỉnh ta đã huy động được trên 1.000 tỷ đồng (kể cả vốn lồng ghép) cho xây dựng NTM. Theo đó, đến nay, tỉnh có 9 xã đạt NTM. Việc đầu tư xây dựng NTM góp phần làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT, thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong sản xuất, đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, cá tầm, cá hồi; xây dựng cánh đồng lớn; chuyển đổi một số diện tích lúa thiếu nước sang cây trồng cạn; bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững; hình thành và phát triển một số vùng nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại huyện Đăk Hà, huyện Kon Plông và huyện Ia H’Drai…

Văn Nhiên

Chuyên mục khác