27/10/2016 14:08
Theo Cục Thuế tỉnh, nhằm chấn chỉnh tình trạng gian lận về đo lường, hóa đơn và các hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối, gây thất thu ngân sách, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu, ngày 11/10/2016, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế triển khai các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, giải pháp hàng đầu là khẩn trương tiến hành niêm phong (dán tem) toàn bộ đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu trên địa bàn.
Sau khi thảo luận, đại diện các sở, ngành tham gia cuộc họp đã thống nhất nội dung và thời gian cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND của UBND tỉnh trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo đó, trong tháng 11/2016, các sở, ngành có liên quan tổ chức hội nghị phổ biến chủ trương dán tem cho tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu toàn tỉnh, ký cam kết thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND; vận động, thuyết phục doanh nghiệp mua xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã thành lập chi nhánh trên địa bàn; vận động các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thành lập chi nhánh tại địa phương; hoàn thành việc dán tem các trụ bơm xăng dầu trên toàn địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ, thực hiện thường xuyên và nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Số liệu thống kê từ Cục Thuế Kon Tum cho thấy, hiện toàn tỉnh có 230 trụ bơm của 26 đơn vị, cơ sở kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều cơ sở, đơn vị nhập xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối chưa thành lập chi nhánh tại Kon Tum, nên nhập và vận chuyển xăng dầu từ ngoài tỉnh về, gây khó khăn trong kiểm soát đầu vào, thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương.
Thành Hưng