09/02/2015 08:00
Với tham vọng từng bước đưa các loại hoa chất lượng cao vào trồng để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, đồng thời tạo điều kiện giúp người dân trên địa bàn được mua hoa với giá thấp, đầu tháng 11/2014, Trạm Khuyến nông huyện Sa Thầy đã mạnh dạn trồng thử nghiệm mô hình hoa ly để phục vụ Tết Nguyên đán. Đến nay, 2.000 cây hoa ly trồng thử nghiệm đã đến kỳ thu hoạch, chất lượng hoa đảm bảo, giá thành phù hợp, phần nào đáp ứng nhu cầu chơi loại hoa này của người dân ở huyện.
Nghe nói Tết này huyện Sa Thầy sẽ có hoa ly – giống hoa vốn chỉ thích hợp với khí hậu mát mẻ lại được trồng ở một địa phương có thời tiết tương đối nóng, tôi tò mò tìm đến Trạm Khuyến nông huyện để tìm hiểu.
|
Ghé vào phòng Trạm trưởng Tạ Thị Diệu, nhưng không gặp chị, tôi được mấy anh em nhân viên trong phòng dẫn ra mảnh vườn phía sau Trạm để tham quan. Một anh trong nhóm chỉ tay vào vuông đất nhỏ được vây kín màng ni lông, bảo: Ngày nào chị Diệu cũng “trốn” ra đây mấy lần để ngắm những cành hoa ly đang chúm chím nụ, kiểm tra xem chúng có vấn đề gì không và cũng là để ngắm thành quả mà chị đã dồn nhiều tâm huyết trong thời gian qua.
Một vườn hoa nhỏ nhắn với những cây hoa ly bụ bẫm cao ngang người, mỗi cành từ 3-4 nụ to, ước chừng vài ngày nữa sẽ bung hoa, tôi hình dung lúc đó chúng sẽ đẹp và thơm đến nhường nào, chắc sẽ không thua kém gì hoa ở Măng Đen hay Đà Lạt.
Đang ngắm nghía những nụ hoa xinh xắn, chị Diệu đã về tới. Biết tôi tìm hiểu để viết bài giới thiệu mô hình trồng hoa ly, chị nói ngay: Mảnh vườn nhỏ này chỉ gần 200 cây hoa ly tôi trồng để Tết làm quà cho anh em và quan trọng hơn là để tôi tìm hiểu thêm về giống hoa này, có cơ sở so sánh, đối chiếu với hoa trồng ở vườn của các hộ dân. Còn mô hình trồng hoa ly mà Trạm Khuyến nông huyện triển khai hiện được trồng tại vườn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thanh và ông Nguyễn Thanh Dũng ở thôn Hoà Bình (xã Sa Nghĩa) với khoảng 2.000 cây, tất cả đều sinh trưởng và phát triển tốt; số lượng, kích cỡ bông đều đảm bảo tiêu chuẩn và đặc biệt chúng ra hoa đúng kỳ, đảm bảo cung cấp ra thị trường đúng dịp Tết này.
Theo chị Diệu, những năm trước, vào dịp Tết giá hoa ly trên địa bàn huyện Sa Thầy thường tăng đột biến, một cành hoa có khi lên tới cả trăm ngàn đồng, thế nhưng tìm mua vẫn hiếm vì hoa ly phải đưa từ nơi khác về, địa bàn nhỏ nên thương lái ít để ý tới. Trong khi đó, người dân trên địa bàn huyện lâu nay chỉ quen trồng vài loại hoa đơn giản như cúc vạn thọ, cúc vàng, giá trị không cao… Xuất phát từ thực tế đó, chị Diệu luôn trăn trở làm thế nào để đưa được giống hoa giá trị cao này vào trồng, để vừa giúp bà con đa dạng hoá cây trồng, nhất là với những gia đình có ít đất canh tác để nâng cao thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau nhiều lần tham quan, học hỏi ở các nơi, nhất là khi tới Quảng Ngãi và trong tỉnh có huyện Đăk Hà là những vùng có đặc điểm khí hậu tương đối giống ở huyện Sa Thầy, thấy họ trồng thành công một số mô hình hoa ly, chị đã nghĩ ngay đến việc đưa loại hoa này về trồng. Ý tưởng của chị đã được lãnh đạo huyện ủng hộ và chị nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu, nhờ tư vấn kỹ thuật, vận động người dân tham gia, đặt mua giống từ Đà Lạt về. Vụ đầu tiên nên Trạm Khuyến nông huyện mới chỉ triển khai trồng 2 loại hoa màu vàng và đỏ. Hộ tham gia trồng hoa được hỗ trợ toàn bộ chi phí giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật…
Sau vài câu chuyện lan man về hoa, chị lấy xe đưa tôi đến 2 mảnh vườn trồng hoa ly thử nghiệm của 2 hộ dân để được mục sở thị. Quả thực, tôi không ngờ rằng, trên mảnh đất mà ngay bên cạnh cây rau còn phát triển èo uột, vậy mà những luống hoa ly lại lên xanh tốt, bông dày và to đến vậy. Ông Nguyễn Văn Thanh- hộ tham gia mô hình, khoe: Người ta đã đặt hàng từ lâu rồi, giá 30.000-35.000 đồng/cành. Với gần 1.000 cành ly, vì toàn bộ giống, phân được Trạm Khuyến nông hỗ trợ nên vụ này tôi lãi trọn trên 30 triệu đồng. Trồng hoa ly tuy vất vả một chút vì phải chăm sóc tỷ mỷ và đặc biệt phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chứ không thể qua loa như làm các loại cây khác được, nhưng bù lại thu nhập từ trồng hoa ly lại rất cao, nên tôi tính sang năm sẽ mở rộng quy mô.
Chị Diệu cho biết, thời gian sinh trưởng, phát triển của hoa ly phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, trung bình từ 85-90 ngày, nhưng nếu thời tiết nóng thì sẽ rút ngắn được khoảng 7-10 ngày, thời tiết lạnh sâu thì kéo dài thêm khoảng 5-7 ngày. Do đó, người trồng hoa ly cần theo dõi thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ trong nhà màng, cộng với bón phân, tưới nước, bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý thì hoa mới nở đúng thời điểm mong muốn. Bình quân, mỗi cây hoa ly có giá bán trên thị trường khoảng 35.000 đồng, trừ chi phí đầu tư vẫn còn lời từ 12.000-15.000 đồng, như vậy, nếu trồng khoảng 1 sào hoa ly, người trồng có thể thu lời từ 200-250 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hoa ly chủ yếu rơi vào dịp Tết, nên ngày thường nông dân vẫn có thể trồng các loại rau hoa khác và chỉ tập trung làm vào dịp cuối năm.
“Việc đưa giống hoa ly vào trồng ở huyện Sa Thầy là một trong những hoạt động nhằm từng bước đa dạng hoá các loại cây trồng ngắn ngày, đặc biệt là đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giúp nông dân có nhiều lựa chọn hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang từng bước xây dựng vùng chuyên canh rau, hoa ở khu vực xã Sa Nghĩa, vì ở đây diện tích đất canh tác ít, nhưng người dân lại cần cù, có kiến thức trồng trọt tốt; vận động mỗi gia đình trồng vài loại hoa để cung cấp cho thị trường trong huyện. Riêng hoa ly, hiện nay nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh rất lớn, nhưng điều quan trọng là phải có hoa chất lượng, nên chúng tôi không lo lắng nhiều về vấn đề đầu ra cho sản phẩm…”– chị Diệu cho biết thêm.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết, các hộ dân trồng hoa cũng đang dành nhiều thời gian ở vườn hơn để chăm chút cho những luống hoa ly đang chúm chím khoe những búp hoa xinh xắn đợi đón xuân. Lứa hoa ly đầu tiên thắng lợi là nguồn động viên để Sa Thầy mở rộng mô hình này, không chỉ để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn, mà còn còn cung cấp cho thị trường trong tỉnh…
Thuỳ Hương