11/12/2024 13:03
Bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng đất là một trong những chủ trương lớn của Đảng nhằm phát triển bền vững cộng đồng các DTTS. Và chủ trương ấy đã được thể chế hóa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai cũng như trong cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi
Trong đó có thể kể đến Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu đến năm 2025 “giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS”.
Trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được triển khai ở Dự án 1.
|
Gần đây nhất, trong nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 cũng có quy định về các chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS; nguồn lực thực hiện chính sách; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách.
Ở tỉnh ta, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS cũng luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt là từ khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai, với nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.
Theo số liệu rà soát năm 2022 toàn tỉnh có 488 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở; 1.275 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Sau 3 năm, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, của cả hệ thống chính trị, đến tháng 6/2024, đã có 882 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ đất sản xuất; 1.081 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Về đất ở, có 139 hộ được hỗ trợ đất, trong đó 19 hộ được hỗ trợ làm hạ tầng kỹ thuật và giao đất trực tiếp (tổng diện tích 4.189m2); 120 hộ được hỗ trợ kinh phí ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.
Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất ở ước đạt 99,33%, đạt 100,3% kế hoạch; tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất 99,39%, đạt 100,42% kế hoạch.
Có đất ở để “an cư”, có đất sản xuất để “lạc nghiệp”, có các chính sách hỗ trợ khác để vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng bào DTTS càng thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh vẫn còn 349 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở và 390 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu hoàn thành hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS thiếu đất đất ở, đất sản xuất trong năm 2025 đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị.
Nhất là khi thực tế triển khai đã cho thấy những vướng mắc, khó khăn tác động đến tiến độ và hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là một số địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ, giải quyết cho các hộ đồng bào DTTS không có đất ở, đất sản xuất.
Kết quả rà soát, xác định số hộ và tỷ lệ hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất ở một số địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế có đất ở, đất sản xuất dẫn đến số liệu chưa đảm bảo.
|
Dù vậy, thuận lợi cơ bản là nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách Trung ương và địa phương; cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng thống nhất trong nhận thức và hành động, trong hoạch định và thực thi chính sách.
Các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS rất phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền.
Về mặt thể chế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 82/2024/NQ-HĐND ngày 12/11/2024 về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS và cá nhân người DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 48/2023/QĐ-UBND ngày 7/9/2024 quy định định mức đất ở, đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa có đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mới đây, ngày 3/12, UBND tỉnh có văn bản số 4362/UBND-NNTN chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Trong đó yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người DTTS trên địa bàn. Nội dung phương án phải nêu rõ các trường hợp được hỗ trợ, diện tích hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, dự kiến quỹ đất để hỗ trợ (trong đó quỹ đất đã có, quỹ đất dự kiến phải tạo lập); nhu cầu kinh phí để hỗ trợ (trong đó kinh phí hiện có, kinh phí đề nghị ngân sách cấp trên hỗ trợ).
Để có thể lập được phương án cụ thể và khả thi, một trong những vấn đề quan trọng nhất là tạo quỹ đất. Vì vậy, tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương qunr lý.
Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố lập dự án tạo lập quỹ đất để giao đất cho người dân, nhất là hộ đồng bào DTTS thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất quản lý, sử dụng.
Hồng Lam