29/08/2016 13:57
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị đặc trưng của nguồn gen quý hiếm, phát triển thương hiệu cho trong và ngoài nước đối với sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã tiến hành quy hoạch vùng chuyên canh loại sâm quý hiếm này. Cùng với việc sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tốt đối với sâm củ Ngọc Linh; từ đây sâm Ngọc Linh sẽ có quy trình sản xuất, khai thác thương mại với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh có chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững.
Thuốc “giấu” của người Xê Đăng
Từ bao đời này, cây sâm Ngọc Linh được người Xê Đăng sinh sống ở đỉnh núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) nơi có độ cao từ 1.800-2.500m so với mặt nước biển thường hay gọi là cây thuốc “giấu”. Cây thuốc này giúp người dân chống chọi với bệnh tật. Trong chiến tranh, lúc bộ đội đau ốm, người Xê Đăng dùng thuốc “giấu” của mình giúp bộ đội điều trị bệnh, sớm bình phục sức khoẻ...
Đến năm 1973 cây thuốc “giấu” này được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện những giá trị của chúng và bắt đầu sưu tầm. Đây là cây bản địa, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh và là loại cây quý hiếm. Tuy nhiên, vì bất cập trong công tác quản lý, cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hầu như bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước thực tế trên, nhiều hộ dân sống ở trên đỉnh Ngọc Linh đã bắt đầu sưu tầm sâm Ngọc Linh để bảo tồn và phát triển. Theo đó, người dân đã chọn những mảnh đất ở trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao lớn, được rừng tự nhiên bao bọc, có thảm thực vật là rừng nguyên sinh ở đỉnh Ngọc Linh gồm các cây lá rộng thường xanh, tre nứa, lá kim; nơi có lượng mưa trung bình nhiều, nhiệt độ quanh năm thấp (14-18oC)… để trồng sâm.
|
Tiếng là sâm trồng nhưng thực tế nó phát triển tự nhiên trên rừng, không có sự can thiệp của bất kỳ hoá chất, thuốc men. Tại vườn sâm, người dân bao bọc quanh vườn bằng vô số đường hào, rào tấm bạt nhằm chống chuột rừng xâm phạm, ăn củ. Mỗi khi cây ra hoa, người dân bằng nghề truyền thống đan lát các rọ bao quanh hoa để bảo vệ nguồn giống tránh chim, thú phá hoại, ăn hạt. Ngoài ra, để bảo vệ vườn sâm, người dân gần như ăn, ngủ cùng sâm. Mọi thông tin, vị trí của vườn được người dân giấu kín. Người lạ rất khó tìm lên được vườn sâm, vì sâm được trồng trên đỉnh núi, có dốc thẳng đứng, đường trơn trượt.
Quý, hiếm nên người Xê Đăng làm mọi cách để bảo vệ vườn cây cho mình. Đến nay chưa có một thống kê chính thức nào về diện tích sâm Ngọc Linh mà dân đang trồng, dân không khai báo, thống kê.
Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các ngành có liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên để phát triển sâm thành sản phẩm hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống của người dân tại vùng phân bổ sâm tự nhiên.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tu Mơ Rông bằng nguồn vốn của các chương trình, dự án khác nhau đã đầu tư hỗ trợ cây sâm giống cho người dân trồng ở quy mô hộ gia đình… Nhờ vậy mà sâm Ngọc Linh đã dần được người dân cùng chính quyền bảo tồn được nguồn gen quý.
Rừng sâm cho tương lai
Sau nhiều năm bảo tồn, đến nay, tỉnh Kon Tum đã trồng được trên 300ha sâm trên đỉnh Ngọc Linh (chưa kể diện tích trồng trong dân trồng). Tỉnh xác định đến năm 2020, Kon Tum sẽ hình thành một vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh với quy mô 1.000ha. Đến năm 2025 thì diện tích sâm sẽ tăng lên gấp 10 lần.
|
Để hiện thực hoá “ước mơ” trên, năm 2001, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc cùng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật trồng và quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”. Kết quả bước đầu của dự án đã khôi phục vườn sâm giống có khả năng cung cấp giống mở rộng, quy mô. Mô hình trồng sâm tự nhiên, bán tự nhiên cho thấy sâm phát triển tốt, đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, dự án đã cấp giống cho từng hộ dân trồng, chăm sóc, quản lý đã phát huy được ý thức, trách nhiệm của từng hộ dân.
Bên cạnh đó Công ty CP Sâm Ngọc Linh nơi đang quản lý, bảo vệ và phát triển được hơn 300ha sâm cũng đã đưa giống cho người dân trồng tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông).
Ông Lê Đức Thảo - đại diện Công ty CP Sâm Ngọc Linh cho biết, đơn vị đang mở rộng quy mô vườn cây bằng cách liên kết với toàn bộ người dân ở các thôn, làng trong vùng dự án cùng tham gia trồng, phát triển sâm Ngọc Linh. Người lao động tham gia ngoài việc tạo công ăn việc làm, cho thu nhập thì còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ phát triển rừng…. Từ những mối liên kết giữa doanh nghiệp, người dân cùng ý thức trong việc bảo tồn, phát triển sâm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gần 20 năm qua, Công ty CP SâmNgọc Linh trồng, không khai thác, chủ yếu thu hạt giống để mở rộng diện tích. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức thu mua củ sâm, hạt để bảo tồn và phát triển vườn cây.
Theo tính toán, một cây sâm đến mùa thu hạt cũng cho được ít nhất 3 giống cây mới, có cây cho hàng chục hạt giống. Với diện tích trên thì mỗi năm vườn sâm của doanh nghiệp cho hàng chục triệu hạt giống để mở rộng diện tích, cũng như cung cấp cho dân trồng. Và tham vọng 1.000ha sâm trong năm 2020 là hoàn toàn khả thi với tỉnh Kon Tum.
Là doanh nghiệp Nhà nước tham gia bảo tồn, phát triển sâm, ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết thêm: Công ty đang quản lý gần 10.000ha. Tại đây, những nơi có thổ nhưỡng phù hợp đã được khoanh vùng để doanh nghiệp và người dân cùng trồng sâm. Hiện tại người dân đã thấy được hiệu quả, lợi ích của việc trồng sâm nên mọi người thi nhau trồng.
“Tương lai 1.000ha là hoàn toàn khả thi. Năm nay chúng tôi sẽ khai thác từ 200-300kg sâm củ. Cuối năm sẽ có các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như trà sâm, viên ngậm cao cấp từ sâm Ngọc Linh” - ông Chung khẳng định. Với diện tích hiện có, hàng năm công ty cũng sẽ cung cấp cả triệu hạt giống cho dân. Theo tính toán sau 10 năm trồng, mỗi héc ta sâm cho thu hoạch cả tấn sâm, giá trị từ 30-50 tỷ đồng. “Đây không còn là cây xoá nghèo mà cây làm giàu nhanh, bền vững cho đồng bào nơi đây” - ông Chung cho biết.
Do sâm chỉ phát triển dưới tán rừng, Công ty CP Sâm Ngọc Linh đã đề nghị UBND tỉnh giao cho đơn vị toàn bộ quỹ đất làm nương rẫy mà trước đây bà con phát đốt để công ty cùng người dân khôi phục trồng lại rừng, tạo ra vùng đệm an toàn sinh thái cho sâm Ngọc Linh phát triển. “Để trồng sâm, bắt buộc người dân, doanh nghiệp và chính quyền phải bảo vệ được rừng mới tạo ra được môi trường cho sâm phát triển” - ông Thảo khẳng định.
Để triển khai được tham vọng hình thành một rừng sâm trong tương lai, tỉnh Kon Tum cũng đã quy hoạch hàng chục nghìn héc ta rừng tự nhiên ở trên đỉnh núi Ngọc Linh để trồng sâm. Nhờ các cách làm khoa học, kết hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân mà đến nay tỉnh Kon Tum đã phát triển được một vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh với diện tích hơn 300ha (chưa kể diện tích trong dân). Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum có tham vọng hình thành “rừng” sâm với quy mô 9.000ha.
Cao Nguyên