07/10/2024 13:07
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, UBND tỉnh đã có tờ trình lên Bộ GTVT bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng theo Sở GTVT, sau khi có tờ trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum và Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) nhằm hoàn thiện Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cảng hàng không Măng Đen là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết nối tỉnh Kon Tum và các tỉnh trong khu vực với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là dự án động lực quan trọng của tỉnh Kon Tum cần đầu tư.
|
UBND tỉnh cũng đã cập nhật nội dung quy hoạch vào các quy hoạch của địa phương; bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo quy hoạch được duyệt, có phương án về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất sẵn sàng đáp ứng khi đủ các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng Cảng hàng không Măng Đen.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục HKVN triển khai quy hoạch chi tiết của Cảng hàng không Măng Đen. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu phương án thuê tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng với điều kiện cảng hàng không xây dựng tại khu vực núi cao, địa hình, địa chất phức tạp. Phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị rà soát lại tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng hành khách đi tàu bay, tổng lượng khách du lịch đi và đến khu du lịch Măng Đen để tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư. Rà soát các điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế phát triển của khu vực để khẳng định tính khả thi trong việc xây dựng Cảng hàng không Măng Đen. Xác định đầy đủ diện tích cho các hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh và tìm kiếm, cứu nạn khi có nhu cầu đồng thời rà soát lại diện tích chiếm đất của cảng hàng không; trên cơ sở đó, rà soát tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn, đảm bảo tính khả thi của dự án.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum, quan điểm của Bộ GTVT ủng hộ chủ trương nghiên cứu việc hình thành Cảng hàng không Măng Đen nhằm phát huy tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, phục vụ công tác quốc phòng, an ninh và khẩn nguy, cứu nạn, cứu trợ của vùng.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục HKVN khẩn trương rà soát, trình Bộ GTVT. Sau khi nhận được hồ sơ trình bổ sung, Vụ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương rà soát, tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10 bổ sung Cảng hàng không Măng Đen trong Quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc.
Dự án Cảng hàng không Măng Đen được đầu tư xây dựng tạo không gian phát triển kinh tế cho Kon Tum nói chung và Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen nói riêng, từ đó, góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khai thác có hiệu quả quỹ đất, tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, dự án được triển khai theo phương thức PPP, toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện, giúp tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước. Đối với người dân, Cảng hàng không Măng Đen hình thành sẽ tạo điều kiện khai thác các tiềm năng trong khu vực, địa phương, kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, lưu thông thuận lợi sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, giúp người dân đi lại an toàn, tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn.
|
Tỉnh Kon Tum có vị trí tại khu vực ngã 3 Đông Dương, trong vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông-Tây (Myanma - Thái Lan - Lào - Campuchia - Việt Nam); là điểm khởi đầu của trục phát triển kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn và Kon Tum được coi là điểm nối quan trọng giữa vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước.
Điều đặc biệt, hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh chỉ có đường bộ và đường thủy nội địa, trong đó, đường bộ là phương thức chủ đạo, chưa có đường sắt, cảng hàng không. Trong khi đó, Kon Tum có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du lịch của Kon Tum ngày càng phát triển và thu hút du khách trong nước và quốc tế ngày càng đông, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Măng Đen. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, du lịch thì yêu cầu về hạ tầng giao thông là rất cấp thiết. Để đáp ứng nhu cầu liên kết vùng, kết nối với quốc tế thì loại hình vận tải hàng không là không thể thiếu.
Vì vậy, việc nghiên cứu quy hoạch, xây dựng Cảng hàng không Măng Đen là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ, phù hợp với nhu cầu thực tiễn đặt ra và định hướng phát triển chung của thế giới. Đây là tiền đề và là cơ sở rất quan trọng để thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng hàng không Măng Đen trong thời gian tới, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, là ngành du lịch, dịch vụ, tăng cường khả năng kết nối vùng, kết nối với quốc tế, góp phần quan trọng trong vấn đề đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẩn nguy cứu trợ của tỉnh và cả vùng Tây Nguyên.
Sau khi Cảng hàng không Măng Đen được xem xét, bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh sẽ tiến hành chính thức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu kêu gọi đầu tư dự án Cảng hàng không Măng Đen theo phương thức PPP.
Phúc Nguyên