Giải ngân vốn đầu tư- Không còn thời gian để đủng đỉnh

17/10/2024 06:01

Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều chỉ đạo và coi kết quả giải ngân vốn đầu tư là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan. Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm 2024 mà tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn thấp, do đó, không còn thời gian cho việc đủng đỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng số vốn đầu tư phát triển thực hiện trong năm 2024 của tỉnh là 4.788.584 triệu đồng, bao gồm: số vốn kế hoạch đầu tư giao trong năm 2024 là 3.930.391 triệu đồng và số vốn kế hoạch năm 2023 được phép kéo dài thực hiện sang năm 2024 là 858.193 triệu đồng. Với nguồn vốn trên đã được phân khai theo phân cấp cho 10 huyện, thành phố và phân khai đầu tư cho 78 công trình, dự án cấp tỉnh.

Trên cơ sở kế hoạch năm 2024 được trung ương giao, qua rà soát tình hình thực tế các nguồn thu, địa phương đã thực hiện phân bổ 3.930.391 triệu đồng; trong đó, ngân sách địa phương là 2.308.911 triệu đồng và ngân sách trung ương là 1.621.480 triệu đồng.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; các sở, ngành, huyện thành phố cũng tích cực đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo chủ đầu tư và chính quyền địa phương  triển khai quyết liệt các giải pháp để giải ngân nguồn vốn đầu tư ngay từ  đầu năm.

Nước rút chạy tiến độ, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: P.N

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng và nỗ lực của các đơn vị, chủ đầu tư, tính đến hết tháng 9/2024, tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã giải ngân toàn tỉnh là 1.083.457 triệu đồng, đạt 34,1% trên thực nguồn (trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 958.799 triệu đồng/2.319.274 triệu đồng, đạt 41,3%; giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài là 124.658 triệu đồng/858.193 triệu đồng, đạt 14,5%).

Một số công trình có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2024 cao như: Dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới Hồ chứa Đăk Car và Đập Đăk Sia II, huyện Sa Thầy (đạt 62,7%), Đường từ Quốc lộ 24 đi khu nghỉ dưỡng khu vực Đông Nam (đạt 63,71%), Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm Kon Tum giai đoạn 2021-2025 (59,7%), Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 675 đoạn từ Km 0 - Km24 (79,4%).

Mặc dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm giải ngân trên do nhiều nguyên nhân và vướng mắc. Đơn cử như hiện chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về tính toán, xác định chi phí quản lý dự án, các loại chi phí tư vấn liên quan (như chi phí lập dự án đầu tư, chi phí thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, chi phí giám sát thi công, chi phí lập E-HSMT) đối với dự án không có cấu phần xây dựng (trừ dự án ứng dụng công nghệ thông tin) dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc xác định các loại chi phí trên để đưa vào tổng mức đầu tư. Ngoài ra, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý vốn đầu tư chưa được Trung ương cho phép một cách triệt để; Trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản mất rất nhiều thủ tục, thời gian, trong khi tiến độ thi công công trình từ 1-2 năm, do vậy, các công trình khi thi công đều khan hiếm về đất đắp.

Điều đáng nói, hầu hết các dự án trọng điểm của tỉnh đều gặp vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc các địa phương chậm phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường; xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư và việc xây dựng giá đất cụ thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường còn chậm. Chính việc chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện hợp đồng thi công xây lắp. Không thi công được thì điều đó đồng nghĩa với việc không có khối lượng để giải ngân vốn.

Nhiều dự án trọng điểm vướng mắc về mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: PN

 

Theo ông Ngô Việt Thành- Giám đốc Sở KH&ĐT, đến hết niên độ giải ngân, các chủ đầu tư của dự án có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm giải ngân kế hoạch vốn và sẽ phải thực hiện tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Việt Thành cho biết: Trước tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn thấp, thời gian tới Sở tiếp tục theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư trong công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án để phối hợp với các ngành liên quan báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh kiên quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ các dự án, nhiệm vụ không có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu giải ngân tốt hơn, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao.

Để phấn đấu mục tiêu giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao của toàn tỉnh, các chủ đầu tư cũng cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm, phải thực sự chủ động, quyết liệt phối hợp tốt trong công việc, nắm vững các quy định pháp luật để đề xuất xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động; đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện, giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm tiền đề để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ triển kinh tế - xã hội, nâng cao tỷ lệ giải ngân của tỉnh.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác