21/11/2014 10:15
|
Ông Tống Hữu Chân – Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam cho biết: Trong tháng 11 này, Công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ván vơ nia, công suất 12.000m3 gỗ/năm tại mặt bằng vườn ươm xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô. Khi nhà máy đi vào hoạt động, toàn bộ số gỗ tỉa thưa sẽ được Công ty chế biến tại chỗ, không còn phải đưa xuống nhà máy MDF Gia Lai tiêu thụ, như vậy, sẽ đạt được hiệu quả kinh tế hơn.
Trải qua nhiều khó khăn, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam (thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) hiện còn gần 9.000ha thông nguyên liệu giấy chuẩn bị đến chu kỳ khai thác. Tuy nhiên, nếu khai thác trắng toàn bộ diện tích thông này bán cho Nhà máy MDF ở Gia Lai, doanh nghiệp sẽ lỗ khoảng 148 tỷ đồng. Trước thực tế trên, nhiều phương án “giải cứu” gần 9.000ha thông nguyên liệu giấy trước nguy cơ thua lỗ đang được triển khai…
Rừng đẹp nhưng lỗ nặng
Diện tích rừng thông nguyên liệu giấy của Công ty nằm rải rác tại 33 xã, thị trấn thuộc 8 huyện trong tỉnh. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, rừng thông của Công ty sinh trưởng phát triển tốt. Hiện tại bình quân đã đạt trên 100m3 gỗ/1ha.
Ấn tượng hơn, dãy Sạc Ly vốn nổi danh là “vùng đất chết” vì bị Mỹ rải chất độc hóa học, hàng chục năm sau chiến tranh vẫn cằn cỗi, gần như không có loài thực vật nào sinh trưởng nổi đã hồi sinh với hàng nghìn héc ta thông xanh tốt.
Hầu hết mọi người đều có cái nhìn lạc quan về hiệu quả kinh tế mà gần 9.000ha thông đem lại.
Thế nhưng, sau gần 15 năm, điều mong đợi ấy đã không đến với những người “ươm mầm xanh trên đất chết” bởi sự khắc nghiệt của thị trường. Nếu thực hiện đúng phương án kinh doanh ban đầu, rừng được khai thác sau 15 năm trồng sẽ không mang hiệu quả kinh tế thậm chí là lỗ nặng.
Ông Tống Hữu Chân - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, mặc dù mới thực hiện tỉa thưa rừng thông nhưng doanh nghiệp đã thua lỗ. Do địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có nhà máy bột giấy, số gỗ này được đưa xuống Nhà máy MDF Gia Lai tiêu thụ; giá thu mua tại nhà máy là 820.000 đồng/tấn, trong khi chi phí công vận chuyển đã mất từ 420.000- 450.000 đồng/tấn.
Với giá bán và cách tiêu thụ này, nếu thực hiện khai thác trắng toàn bộ diện tích theo phương án kinh doanh ban đầu, doanh nghiệp sẽ lỗ gần 17 triệu đồng/ha. Với tổng diện tích gần 9.000ha hiện có, tổng lỗ sẽ lên tới khoảng 148 tỷ đồng.
Phương án sản xuất ván ghép thanh còn lỗ khủng hơn vì thông mới được 15 năm tuổi, chất lượng gỗ kém, nếu đưa vào sản xuất sẽ tiêu hao nguyên liệu lớn, dự kiến lỗ trên 200 tỷ đồng.
Chuyển mục tiêu kinh doanh để tránh thua lỗ
Trước nguy cơ thua lỗ cận kề, Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đã khẩn trương báo cáo Tổng công ty, đồng thời đưa ra phương án “giải cứu” thua lỗ cho gần 9.000ha thông. Phương án này được Tổng công ty Giấy Việt Nam chấp thuận và trình Bộ Công thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, để giải bài toán thua lỗ, Tổng công ty Giấy Việt Nam xin phép chuyển đổi mục tiêu kinh doanh đối với diện tích thông trồng tại Kon Tum từ trồng cây nguyên liệu giấy sang trồng cây gỗ lớn. Nghĩa là thực hiện phương án khai thác sau 25 năm thay vì phương án 15 năm khai thác như hiện nay.
Những con số tính toán về hiệu quả kinh tế cho thấy, rừng thông sau 25 năm trồng sẽ cho chất lượng gỗ cao, sử dụng được trong nhiều lĩnh vực chế biến, lượng tiêu hao nguyên liệu gỗ tròn trên một đơn vị sản phẩm chế biến thấp, chất lượng sản phẩm cao… và kết quả cuối cùng là mang lại lợi nhuận.
Cụ thể nếu bán gỗ tại rừng (giá cây đứng) chưa qua chế biến, lợi nhuận thu được khoảng 11 triệu đồng 1ha, tổng lãi cho toàn bộ diện tích là gần 100 tỷ đồng. Nếu gỗ được đưa vào chế biến thành ván ghép thanh, lợi nhuận thu được cao hơn, gần 22 triệu đồng 1ha, tổng lãi cho toàn bộ diện tích gần 200 tỷ đồng.
Chưa biết phương án “giải cứu” nguy cơ thua lỗ cho diện tích rừng thông trồng tại Kon Tum của Tổng công ty Giấy Việt Nam có được phê duyệt hay không, song rõ ràng việc xin chuyển mục tiêu kinh doanh từ trồng cây nguyên liệu giấy sang trồng cây gỗ lớn của Tổng công ty Giấy Việt Nam là có cơ sở, phù hợp với chủ trương của Chính phủ thể hiện tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”
Trong khi chờ đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp để hạn chế thua lỗ đối với diện tích thông đang tỉa thưa. Đó là, Công ty sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ván vơ nia, công suất 12.000m3 gỗ/năm toàn bộ số gỗ tỉa thưa sẽ được Công ty chế biến tại chỗ, không còn phải đưa xuống Nhà máy MDF Gia Lai tiêu thụ, như vậy, sẽ đạt được hiệu quả kinh tế hơn.
Khoa Điềm