Giải “bài toán” khan hiếm cát xây dựng:​ Vận dụng linh hoạt, giám sát chặt chẽ

17/11/2016 09:02

Nhu cầu cát xây dựng tăng cao, trong khi số lượng điểm mỏ đã hoàn thành các thủ tục và được cấp phép ít, đã tạo nên sự khan hiếm cát xây dựng trong suốt mấy năm qua. Làm thế nào để đảm bảo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi đúng luật định nhưng vẫn đáp ứng được nguồn cung cho thị trường đang là vấn đề được tỉnh và ngành Tài nguyên và Môi trường quan tâm...

Thủ tục khai thác cát phức tạp như khai thác vàng?

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2014 đến tháng 10/2016, Hội đồng Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tỉnh đã tổ chức đấu giá được 35 điểm mỏ cát theo Luật Khoáng sản 2010, tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 10 điểm mỏ ở thành phố Kon Tum được cấp phép khai thác.

Nguyên nhân chính được xác định là do những quy định tại Luật Khoáng sản về trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác cát, sỏi còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Báo cáo của ngành chức năng chỉ ra rằng: thủ tục xin cấp phép khai thác cát cũng phức tạp như thủ tục xin cấp phép khai thác... vàng.

Chỉ riêng tư vấn chuyên môn đã gồm nhiều thủ tục như phải lập đề án thăm dò phù hợp quy hoạch, bản vẽ mặt bằng, khoan thăm dò, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình thăm dò, báo cáo kết quả thăm dò kèm các phụ lục bản vẽ tài liệu nguyên thủy có liên quan và bản đồ số hóa... tạo gánh nặng chi phí cho các cơ sở khai thác nhỏ lẻ, khó đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Trong đợt làm việc của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường với các huyện, thành phố vào cuối tháng 9/2016, các địa phương đã đồng loạt kiến nghị tỉnh và ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ những khó khăn đến từ việc các điểm mỏ cát nhỏ, lẻ cũng phải tổ chức đấu giá và thực hiện thăm dò, phê duyệt trữ lượng... theo đúng Luật Khoáng sản 2010 

Ông Ngô Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết, địa phương đang rất cần cát, sỏi để làm các công trình hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án cũng như xây dựng nhà cửa trong nhân dân. Nhưng đến nay, cả 7 điểm mỏ cát đã đấu giá (trong đó có 3 điểm mỏ đấu giá từ năm 2015) chưa được cấp phép khai thác, do trình tự, thủ tục theo luật định quá phức tạp.

Vận dụng linh hoạt quy định trong quản lý khai thác cát, sỏi đã góp phần ''hạ nhiệt'' nhu cầu cát xây dựng. Ảnh: L.H

 

Cát, sỏi ở địa phương phân bố ở lòng sông, khe suối với trữ lượng nhỏ, lẻ, nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như vậy là không phù hợp với thực tiễn và gây tốn kém, nhiều khi làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp, có trường hợp xin cấp phép xong thì đã hết mùa khai thác.

“Vì thế, chúng tôi cho rằng, với khoáng sản có giá trị cao cần quản lý theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, còn điểm mỏ cát nhỏ, lẻ có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thay vì phải làm thủ tục xin cấp phép khai thác thì chỉ nên làm thủ tục đăng ký khối lượng, công suất và vị trí khai thác để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát và thu các loại thuế, phí” - ông Liêm kiến nghị.

Vận dụng nhưng phải giám sát chặt chẽ

Theo ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trước nhu cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, dân sinh trên địa bàn các huyện, đồng thời để từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện thực hiện công tác kiểm tra thực địa, rà soát quy hoạch khoáng sản.

Đồng thời, rút ngắn quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp sớm có giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tuy vậy, việc thăm dò cát, sỏi có sự ràng buộc của pháp luật về điều kiện hành nghề, các tổ chức, cá nhân muốn được cấp phép thăm dò phải đủ điều kiện hành nghề thăm dò hoặc phải thuê tư vấn đủ điều kiện hành nghề thăm dò.

Mặt khác, cấp phép khai thác khoáng sản còn liên quan đến các luật như Đất đai, Môi trường, Đầu tư, Xây dựng, Thuế... Mỗi luật lại có quy trình, trình tự thủ tục hành chính riêng, phải tốn rất nhiều thời gian mới hoàn thành các thủ tục để được cấp phép khai thác.

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cát, sỏi phục vụ cho công trình và đảm bảo tiến độ thi công, không làm tăng giá thành trong xây dựng (do phải vận chuyển cát, sỏi từ nơi khác đến), ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị bộ, ngành Trung ương chỉnh sửa thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản thủ tục, không như thủ tục cấp phép các loại khoáng sản quý, hiếm hoặc có giá trị cao...

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu UBND tỉnh áp dụng khoản 2, điều 64- Luật Khoáng sản 2010, cho phép tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được khai thác cát với mục đích không kinh doanh, mà sử dụng cho mục đích xây dựng công trình của chính tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; đồng ý cho các doanh nghiệp trong quá trình thi công công trình được khai thác cát, đá trong phạm vi diện tích đất của dự án để phục vụ công trình đó và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Khi thực hiện sự vận dụng linh hoạt ấy, chính quyền và ngành chức năng sẽ quản lý chặt chẽ về khối lượng khai thác; thực hiện nghĩa vụ tài chính bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, mang lại nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo an ninh trật tự; cương quyết xử lý các đối tượng không chấp hành các quy định...

Có thể nói, những giải pháp trên, dù tạm thời và chưa thể giải quyết căn cơ những khó khăn cho hoạt động khai thác cát, sỏi nhưng rõ ràng đã đem lại hiệu quả thực tế, bởi đã “hạ nhiệt” phần nào nhu cầu cát, đá phục vụ xây dựng các công trình, dự án, nhất là công trình dân sinh và nông thôn mới

Không chỉ vậy, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép vận dụng linh hoạt các quy định của Luật Khoáng sản vào điều kiện thực tế địa phương.

Theo đó, đối với các khu vực sông, suối nhỏ không đủ tiềm năng để đầu tư thăm dò, khai thác, nằm trong quy hoạch thì cho phép, cấp phép theo Chỉ thị 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn cấp phép 6 tháng, khai thác vào mùa khô; với công suất khai thác nhỏ hơn (hoặc bằng) 5.000m3/năm...

Thành Hưng   

Chuyên mục khác