Ghi ở xã điểm Đăk Nông

07/08/2015 07:58

Xã Đăk Nông được huyện Ngọc Hồi chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Được sự quan tâm đầu tư của nhà nước và chính quyền địa phương, tính đến thời điểm này, xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt nông thôn mới vào cuối năm 2015, đòi hỏi xãcần phải nỗ lực hơn nữa trên nhiều phương diện.

Chuyện ít gặp

Mặc dù đã cẩn thận điện thoại, đồng thời nhờ cán bộ Phòng NN&PTNT cùng Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi liên hệ, nhưng khi tôi đến trao đổi nội dung làm việc để nắm bắt thông tin tuyên truyền công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Nông - Chủ tịch UBND xã Đăk Nông vẫn viện cớ: nào là không điện thoại báo trước, phải có giấy giới thiệu, nào là than “mệt mỏi nhà báo quá”...(!)

Ô hay, thế thẻ nhà báo cùng các cuộc điện thoại liên lạc của những người có trách nhiệm ở huyện là để chơi à? Khi nghe tôi nói sẽ báo lại sự việc với lãnh đạo huyện, cuối cùng ông Nguyễn Hữu Nông cũng đồng ý cung cấp thông tin với một thái độ miễn cưỡng.

Với một nhà báo đi nắm bắt thông tin tuyên truyền việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới còn gặp khó như thế, không biết các trường hợp khác khi có việc cần đến xã, vị Chủ tịch xã ứng xử như thế nào(?!)

Có điểm chưa thông

Trở lại việc xây dựng nông thôn mới, theo ông Nguyễn Hữu Nông, tính đến thời điểm này, xã Đăk Nông đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, theo báo cáo của xã và đánh giá của huyện, thì xã Đăk Nông đạt 12 tiêu chí. Các tiêu chí nông thôn mới xã Đăk Nông đã đạt được là quy hoạch, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, bưu điện, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh trật tự xã hội. Các tiêu chí còn lại phấn đấu đến cuối năm 2015 để đạt nông thôn mới là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo và môi trường.

Bằng sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện thì việc hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất không khó; cái khó là làm sao nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, hạ tỷ lệ hộ nghèo và bảo đảm vấn đề môi trường. Thu nhập của người dân ở đây phần lớn phụ thuộc vào sản phẩm nông nghiệp, nhưng tình hình kinh tế khó khăn, sản phẩm nông nghiệp mất giá, nhất là giá mủ cao su xuống thấp chưa thấy có dấu hiệu phục hồi, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân trông chờ vào giá mủ cao su, thì đây quả là vấn đề nan giải.

Đề cập vấn đề môi trường, trong đó có bàn về việc xây dựng nghĩa trang nhân dân, ông Nguyễn Hữu Nông cho rằng quỹ đất không còn, xã có làm tờ trình gửi huyện về việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân trên diện tích cao su của Nông trường Cao su Dục Nông, nhưng UBND huyện chưa trả lời. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Chánh Văn phòng UBND huyện - Phạm Thanh Tâm nói rằng chưa nhận được văn bản của UBND xã.

Để đạt nông thôn mới

Trong đánh giá, xã cho rằng một bộ phận người dân nhận thức việc xây dựng nông thôn mới là do nhà nước đầu tư, nên có tư tưởng trông chờ, thiếu chủ động, thiếu tích cực, chưa nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Trên thực tế, đến gặp gỡ một số hộ dân, chúng tôi được biết người dân rất có ý thức xây dựng nông thôn mới.

Tại làng Tà Pok, chúng tôi gặp hộ gia đình ông A Bí - bà Y Ngôn. Ông, bà cho biết khi triển khai làm đường bê tông nông thôn mới ở làng, gia đình ông bà đã hiến đất di dời hàng rào, cổng ngõ vào sâu 2m với chiều dài 40m mà không một đòi hỏi. Gia đình ông bà cùng nhiều người dân ở đây góp công làm đường theo tổ. Bình quân mỗi công lao động trong tổ được trả khoảng 70 nghìn đồng/ngày. Số tiền công lao động thu được, tổ tổ chức liên hoan khi hoàn thành tuyến đường. Hay như hộ gia đình ông A Nghiệp-Y Thập cũng tự nguyện di dời hàng rào như hộ ông A Bí-bà Y Ngôn.

Để làm rõ hơn về thu nhập người dân, chúng tôi cũng đã đến thăm một số hộ gia đình có thu nhập được xem là khá giả ở địa phương. Ông Xiêng Thanh Lan ở làng Nông Nội cho biết, gia đình ông trồng 5ha cao su (trong đó có 2ha đi vào khai thác), 4 sào ruộng và 4 sào áo cá... Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp, nhưng bình quân mỗi tháng gia đình ông thu được khoảng 8 triệu đồng từ cao su. Còn về ao cá, những năm trước ông thu được khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán cá, năm nay do bị tai biến, sức khỏe xuống, việc nuôi cá bị hạn chế, do vậy chỉ thu khoảng 30-40 triệu đồng từ tiền cá. Dự tính năm nay, tổng thu nhập của gia đình ông được khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình ông có 8 nhân khẩu, với mức thu này thì chưa phải là cao. Đối với các hộ chưa có cao su đi vào khai thác, chỉ làm một ít ruộng, mỳ thì quả là cuộc sống vẫn còn khó khăn.

Gia đình ông Xiêng Thanh Lan là một trong những hộ dân ở Đăk Nông có thu nhập ổn định từ cao su. Ảnh: VN

 

Để nâng cao thu nhập cho người dân, vấn đề quan trọng là chính quyền phải quan tâm, phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, xây dựng thêm các mô hình cây con, giống mới và chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi. Tuy nhiên, khi bàn về đào tạo nghề, ông Nguyễn Hữu Nông nói rằng người dân không đăng ký nên năm nay không triển khai…

Để đến cuối năm 2015 xã Đăk Nông đạt nông thôn mới, đòi hỏi chính quyền địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa và có nhận thức đúng hơn về xây dựng nông thôn mới.

​ Trần Văn Nhiên

Chuyên mục khác