Gặp vướng mắc, nhiều dự án giao thông giải ngân thấp

09/09/2024 06:06

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là hết năm 2024, nhưng đến thời điểm này, nhiều dự án thi công cầm chừng, thậm chí không thể triển khai xây dựng, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ và giải ngân vốn chậm, đặc biệt là đối với các dự án giao thông.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7/2024, tỉnh ta là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất toàn quốc, đứng thứ 6/63 tỉnh thành phố trong cả nước (từ dưới lên).

Theo ngành chức năng của tỉnh có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Đơn cử như đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, có một số dự án lớn giải ngân còn rất chậm như: Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum giải ngân được 5.737 triệu đồng/205.470 triệu đồng; Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum, giải ngân được 9.000 triệu đồng/353.150 triệu đồng; Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) giải ngân 529 triệu đồng/58.613 triệu đồng; Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân 12.047 triệu đồng/232.000 triệu đồng.

Dự án Tỉnh lộ 676 gặp vướng mắc nên thi công cầm chừng. Ảnh: H.N 

 

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, một số dự án lớn giải ngân còn rất chậm như: Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường ĐH 22 (huyện Kon Rẫy) mới giải ngân được khoảng 2.441 triệu đồng/25.000 triệu đồng; Cầu qua sông Đăk Bla tại thôn 12, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) giải ngân 1.096 triệu đồng/7.000 triệu đồng...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư xảy ra ở tất cả các giai đoạn, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện dự án. Ở giai đoạn chuẩn bị thì vướng mắc chủ yếu liên quan việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm; quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo sự chủ động cho địa phương, nên mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện các dự án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Đến giai đoạn triển khai dự án thì nhiều dự án vướng mắc chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, chủ yếu do vướng mắc mặt bằng liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, việc xây dựng giá đất cụ thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường.

Một trong những nguyên nhân khác là khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 mỏ đất san lấp đấu giá thành công với tổng trữ lượng đã được phê duyệt là trên 13 triệu m3, nhưng vẫn chưa được khai thác đất để đắp bởi hiện đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để được cấp phép khai thác. Đến tháng 6/2024 mới có thêm 1 mỏ đất được cấp phép khai thác. Nguyên nhân do trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản mất rất nhiều thủ tục, thời gian. Trong khi tiến độ thi công công trình từ 1-2 năm, do vậy các công trình khi thi công đều khan hiếm về đất đắp, tạo tính độc quyền, găm hàng, thổi giá, lũng đoạn thị trường.

Dự án đường tránh phía Tây cũng vướng mắc nên quá trình thi công gặp khó khăn. Ảnh: HN 

 

Ngoài ra, việc thu hồi đất để làm bãi thải cho dự án cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, hiện nay chưa có quy định cụ thể việc này, từ trình tự, cách thực hiện và thẩm quyền sử dụng diện tích đất làm bãi thải sau khi dự án đã thi công hoàn thành.

Trước thực trạng trên, tại hội nghị thúc đẩy vốn đầu tư công cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã rất cương quyết yêu cầu các đơn vị, các ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện. Chủ đầu tư phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Các sở quản lý chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn (quản lý dự án, giám sát), nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng, tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng công việc không đúng với hình thức hợp đồng.  

Hà Nam

Chuyên mục khác