08/11/2016 17:59
Ngổn ngang siêu dự án giấy
Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Tân Mai được Công ty CP Tập đoàn Tân Mai tiếp quản từ năm 2009 từ Tổng công ty Giấy Việt Nam. Dự án thuộc quy mô nhóm A với công suất thiết kế ban đầu là 130.000 tấn/năm và được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 157ha.
|
Để đạt mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2011 hoàn thành việc đầu tư dây chuyền sản xuất bột giấy công suất 130.000 tấn/năm và đến năm 2012 hoàn thành đầu tư dây chuyền sản xuất giấy in và giấy viết cao cấp, công suất 200.000 tấn/ năm, nhiều tiền của đã được đổ vào dự án này.
Kỳ vọng đặt ra là vậy, nhưng 16 năm nay, toàn bộ khu đất rộng 157ha của Dự án này chỉ vỏn vẹn được xây dựng hai khu nhà kho dùng để cất giữ và bảo quan hàng chục tấn máy móc cũ được nhập từ New Zealand và Phần Lan.
Cách đó vài chục mét, 3 khu nhà kho được xây dựng dang dở, theo thời gian những bức tường gạch đỏ au nay đã bị nhuộm rêu xanh. Nhiều khu mới chỉ hoàn thành phần móng, lâu năm không người chăm sóc nên cỏ mọc um tùm.
Cạnh đó vài chục mét, hàng tấn máy móc với những cỗ máy khổng lổ nằm ngổn ngang, nhiều thiết bị đã bị nước mưa đọng lại gây rỉ sét, hư hỏng một phần.
|
Ông Bùi Tiến Lý - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô cho biết: Từ những đầu năm 2000, thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng trên địa bàn thị trấn một nhà máy mang tầm cỡ quốc gia. Để tạo điều kiện cho nhà máy sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, chính quyền địa phương và nhân dân đã tạo điều kiện cho phía chủ đầu tư tiến hành thi công như di dời dân, quy hoạch lại khu tái định cư… Thế nhưng đến nay đã 16 năm rồi, nhà máy vẫn chưa hoàn thành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của việc dự án Nhá máy bột giấy và giấy Tân Mai chậm tiến độ là việc ngày 26/3/2009, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai ký hợp đồng mua bán thiết bị và dịch vụ lắp đặt dây chuyền sản xuất bột giấy đã qua sử dụng với Công ty Euro Consult của Ba Lan. Song nhà thầu này không hoàn thành đúng các mốc tiến độ cung cấp thiết bị bổ sung và thiết kế nên Công ty phải chấm dứt hợp đồng với đối tác.
Để tiếp tục triển khai dự án, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu mà không qua đấu thầu rộng rãi. Điều này đã không được chấp nhận vì dự án vay vốn tín dụng đầu tư Nhà nước 68,4% trên tổng mức đầu tư nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai cũng bị tuýt còi về việc mua dây chuyền thiết bị, máy móc đã qua sử dụng với đối tác nước ngoài chứa nhiều rủi ro, không phản ánh được đầy đủ tương thích của dây chuyền, không thể hiện rõ hiệu quả tài chính.
Và những vướng mắc cần được tháo gỡ
Kỳ vọng của tỉnh Kon Tum khi nhà máy sản xuất bột giấy Tân Mai đi vào hoạt động là sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.800 lao động; từ năm 2012 đến năm 2020 mỗi năm trồng mới trên 4.700ha rừng…
Ngoài ra, nhà máy còn là nguồn động lực để giúp tỉnh Kon Tum tăng trưởng kinh tế, chiến lược phát triển vùng nguyên liệu, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Mong chờ là vậy nhưng đến nay việc nhà máy chưa thể hoàn thành không chỉ làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch chung phát triển chung của huyện, chính quyền địa phương phải gồng mình tháo gỡ những vướng mắc.
Để chuẩn bị cho nhà máy hoạt động khi hoàn thành, chính quyền địa phương đã quy hoạch cho nhà máy 30.000ha để trồng nguyên liệu giấy. Thế nhưng trong một chu kỳ dài, việc dự án chậm triển khai và hoàn thành khiến hàng ngàn héc ta nguồn nguyên liệu giấy này phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Những hộ dân tham gia trồng, chăm sóc vùng nguyên liệu giấy nay đã không còn mặn mà với dự án.
Ông Cao Trung Tin - Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Trước đây, khi bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy giấy, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam đã làm việc với địa phương thực hiện việc quy hoạch nguồn nguyên liệu giấy để phục vụ cho nhà máy giấy sau nay. Trên địa bàn huyện được quy hoạch khoảng 30.000ha để trồng nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, sau cả một chu kỳ khi người dân đã trồng nguyên liệu giấy rồi nhưng mà thấy rằng nhà máy giấy cũng không triển khai cho nên hết chu kỳ đó thì người dân khai thác xong cây keo lá tràm thì người dân đã chuyển đổi sang các cây trồng khác.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nhân lực, công nhân đã qua đào tạo cho nhà máy, phía nhà máy cùng chính quyền địa phương đã tuyển chọn và cho đi học 300- 400 em người địa phương. Tuy nhiên, học xong các em vẫn không được bố trí việc làm do nhà máy chưa hoàn thành, một số phải đi học nghề khác, số còn lại đang mưu sinh bằng những công việc khác.
Theo ông Bùi Tiến Lý, đầu năm 2000, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với nhà máy, các cấp bộ ngành có liên quan đã cử các cháu học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông đi đào tạo các lớp chuyên ngành, và đã có khoảng 300- 400 cháu được đi đào tạo. Sau khi đào tạo nhưng nhà máy chưa hoàn thành nên một số em phải đi học lại nghề khác, số còn lại mưu sinh bằng những nghề nông hiện có với hi vọng nhà máy hoàn thành sẽ được vào làm. Thế nhưng với tiến độ như hiện tại thì không biết bao giờ nhà máy mới hoàn thành(?)
|
Cũng theo ông Cao Trung Tin, việc triển khai dựa án chậm như vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội chung của huyện Đăk Tô. Bởi vì huyện muốn quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, 10 năm đều phải tính đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như là chuyển dịch ngành nghề sản xuất của nhân dân hướng về việc có nhà máy giấy ra đời trên địa bàn. Cho nên việc nhà máy không hoàn thành, đi vào hoạt động đã phá vỡ cái quy hoạch chung của huyện.
“Ảnh hưởng lớn nhất của dự án này để lại cho chính quyền huyện chính là niềm tin của người dân, nhất là người dân bị ảnh hưởng của dự án vào chính quyền địa phương. Bây giờ, việc tuyên truyền người dân di dời, nhường đất cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân không tin vào việc thực hiện các dự án nữa. Người dân sợ khi nhường đất, di dời rồi nhưng dự án lại không được triển khai”- ông Tin ái ngại.
Dù rất tin tưởng và lạc quan về dự án này, nhưng ông Ninh Đức Yên - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên vẫn chưa thể khẳng định được thời điểm chính xác nhà máy này hoàn thành và đi vào hoạt động.
“Toàn bộ thiết bị trước khi nhập về Việt Nam còn khoảng 80% về mặt kỹ thuật. Thiết bị ngành giấy chủ yếu là điện, ống, máy nghiền, mà quan trọng nhất đối với nhà máy bột giấy là máy nghiền. Nếu thuận lợi cũng phải đến tháng 1/2017 Công ty mới bắt đầu được việc lắp ráp dây chuyền và sớm nhất đến quý 4/2018 nhà máy mới có thể đi vào hoạt động”- ông Yên cho biết.
Việc Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Mai mãi nằm trên giấy không chỉ khiến chính quyền địa phương đau đầu, dự án chậm trễ cũng đang khiến tổng mức dự án có thể đội lên cả nghìn tỉ đồng.
Quang Thái