04/03/2016 07:06
Theo đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác chống hạn, chúng tôi đã đến công trình thủy lợi Đăk Ngao 1, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy). Đập dâng của công trình thủy lợi này đang trơ đáy, chỉ còn một rãnh nước chảy lờ đờ không đủ cung cấp cho đồng ruộng. Trạm Thủy nông Sa Thầy phải đặt máy bơm nước từ hố dưới chân đập lên để cung cấp thêm cho đồng ruộng. Tuy nhiên, hố nước ở dưới chân đập không có nguồn nước chảy vào nên chỉ bơm một lúc là hết nước. Nếu trong những ngày đến trời không mưa, 2ha lúa ở khu tưới của đập Đăk Ngao 1 có khả năng mất trắng.
|
Ở khu tưới của đập Đăk Sia 2, nhiều chân ruộng ở thị trấn Sa Thầy xa nguồn nước cũng bị thiếu nước do người dân chặn lấy nước ở trên để bơm hoặc tưới cho ruộng ở cao. Các chân ruộng hưởng nguồn nước từ hợp thủy (ao cá) gần Huyện ủy Sa Thầy và mương nước từ Trung tâm Y tế huyện chảy ra cũng đã không còn vì nguồn nước này kiệt từ lâu. Ruộng lúa nứt nẻ, cây lúa úa vàng. Bà Hoàng Thị Hường (thôn 1, thị trấn Sa Thầy) giãi bày: Lúa cháy rồi! Nhà tôi đang bơm chuyền nước từ kênh thủy lợi Đăk Sia 2 với đường dây dẫn nước dài hơn 100m. Nếu không bơm tưới, ruộng lúa coi như bỏ đi.
Thấy bà đang xót xa vì lúa úa vàng, tôi hỏi sao gia đình và bà con không chuyển đổi sang cây trồng cạn, cần ít nước tưới hơn? Bà Hường thở dài, đưa tay chỉ rẫy bắp đang thiếu nước: Ngay cả bắp cũng không có nước để tưới.
Thấy đoàn công tác đang tìm hiểu ruộng lúa thiếu nước, ông Huỳnh Đức (người có hơn 30 năm quản lý thủy nông cánh đồng thôn 1) vác cuốc đi đến phân trần: Hạn đến sớm quá, hiện tại cả khu vực cánh đồng thôn 1 có 10ha lúa thì 8ha đang thiếu nước. Mồng 4 Tết, bà con đã tranh nhau lấy nước tưới lúa. Ai cũng muốn được phần mình, người đắp, kẻ tháo nước. Mệt không kể xiết!
Ở xã Sa Nghĩa, Trạm Quản lý thủy nông huyện Sa Thầy đã bơm nước từ suối Đăk Sia lên kênh. Kiểm tra và chỉ đạo công tác chống hạn tại hiện trường, ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Ngay khi bước vào vụ đông xuân, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân chuyển đổi diện tích ruộng có khả năng bị hạn sang cây trồng cạn. Để khuyến khích, huyện hỗ trợ giống bắp cho dân chuyển đổi. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân trồng lúa theo thói quen, không chuyển đổi. Trước tình hình một số diện tích lúa đang bị thiếu nước, huyện đang chỉ đạo Trạm Quản lý thủy nông huyện đặt thêm các máy bơm để cứu lúa cho dân.
Theo ông Trần Đình Huân - Trưởng trạm Quản lý thủy nông, huyện Sa Thầy có 65ha cây trồng có khả năng bị hạn, trong đó có 16ha lúa đã bị thiếu nước. Trạm Thủy nông huyện vừa điều tiết nước tưới tiết kiệm, vừa tìm các nguồn nước đặt máy bơm để cứu lúa.
Tại cánh đồng xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) nhiều khu vực ruộng lúa cũng bị thiếu nước. Có nơi ruộng thiếu nước, lúa vàng như chín. Tại đập Tân Điền tưới cho cánh đồng Đoàn Kết, mực nước ở hồ thấp hơn ngưỡng tràn khoảng 40-50cm. Trạm Quản lý thủy nông thành phố Kon Tum đang tổ chức bơm chuyền nước từ sông Đăk Bla để bổ sung cho cánh đồng Đoàn Kết. Theo ông Lê Tấn Bửu - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Đoàn Kết, Hợp tác xã có 2ha lúa bị cháy và 2ha lúa thiếu nước.
Trao đổi với chúng tôi về công tác chống hạn, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa trong năm 2015 thấp, dòng chảy các sông, suối và dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ. Hiện nay đa số dung tích các hồ chứa ở mức 1/3 đến 1/2 nên vẫn đảm bảo tưới. Tuy nhiên, vẫn có một số hồ chứa và đập dâng bị thiếu nước đã xảy ra hạn và có khả năng xảy ra hạn.
Trước tình hình một số công trình thủy lợi bị thiếu nước, ông Văn Tất Cường - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị Ban Quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh phối hợp chặt chẽ với phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế và chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn, tìm các nguồn nước để bơm nước và điều phối nước hợp lý để giảm thiểu thiệt hại.
Trần Văn Nhiên