20/03/2015 10:01
Những ngày này, một số địa phương trong tỉnh đã phải dốc sức chống hạn. Theo nhận định thì từ nay đến hết tháng 4 nếu không có mưa trên diện rộng thì toàn tỉnh sẽ đối mặt hạn hán khốc liệt. “Chạy đua” với thời tiết, các cấp, các ngành trong tỉnh đang nỗ lực hết mình chắt chiu từng giọt nước để cứu lấy cây trồng. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản…
Trắng tay dù đã được cảnh báo
Mấy ngày nay, người dân ở thôn 5, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy đã phải thay nhau bơm nước tưới ruộng. Tuy nhiên nỗ lực cứu lúa của người dân cũng chẳng thấm vào đâu. “Tưới như vậy chỉ đủ để cây lúa sống chứ còn để phát triển có lẽ là không”- anh Trần Hồng Hưng, thôn trưởng thôn 5 khẳng định.
|
Hiện tại, diện tích lúa của thôn gieo quanh con suối Hố Chuối đã bị hạn. Mấy ngày qua, mặc dù chính quyền đã khuyến cáo người dân tưới tiết kiệm, luân phiên nhưng thực tế ở nơi đây mạnh ai nấy làm. Ai tưới trước thì được, chậm chân đành chịu vì hết nước. Con suối Hố Chuối rộng khoảng 5-7m bề ngang nhưng lòng suối trơ đáy. Một số hộ dân đã lấy đá, đất đắp lại thành bờ để tích ít nước rồi bơm cho lúa, nhưng cũng chỉ bơm được hơn 30 phút là nước cạn. Theo chị Y Minh (thôn 5, thị trấn Đăk Rve), mặc dù đã có phân công điều tiết nước nhưng người dân chặn ở đầu nguồn, không cho nước về nên chúng tôi không có nước tưới.
Theo anh Nguyễn Xuân Biên- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve, ngay từ đầu mùa khô, chính quyền thị trấn đã khảo sát và khuyến cáo bà con không được gieo lúa nước trên diện tích này mà chuyển đổi sang cây trồng khác vì ở đây không đủ nước tưới nhưng bà con vẫn gieo cấy. Trước tình trạng trên, hiện thị trấn đã vận động bà con và các ngành ở thị trấn nạo vét kênh mương để đưa nước về tưới các diện tích khô hạn. UBND thị trấn cũng hỗ trợ tiền dầu, máy, bà con bỏ công ra để bơm nước tưới cho các diện tích bị khô hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì nguồn nước rất khó khăn bởi nắng hạn kéo dài...
Trong khi đó, tại thành phố Kon Tum, đập Cà Tiên gần như khô cạn. Anh Nguyễn Yên- Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Hiện tại đập Cà Tiên đang thiếu nước và ảnh hưởng tới 20ha lúa của người dân thôn 7. Mặc dù xã đã thử nghiệm để chuyển đổi diện tích lúa nơi này sang trồng các loại cây trồng khác nhưng không mang lại hiệu quả. Mùa nắng thì khô hạn, mưa xuống là ngập nước mênh mông. Hiện tại, chúng tôi chấp nhận mất vụ đông xuân, đang tổ chức nạo vét lại con đập này để lo cho các vụ sau.
|
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc nạo vét cũng khó thực hiện triệt để vì bị ảnh hưởng nhiều từ đường dây điện cao thế 500kV. Hiện đơn vị thi công đành xây thêm một thành đập cao khoảng 1m để tích nước.
Hạn khốc liệt cuối vụ?
Hiện toàn tỉnh Kon Tum có hơn 500 công trình thuỷ lợi nhưng chỉ có 70 hồ chứa, còn lại là đập dâng, nguồn nước cơ bản phụ thuộc vào lượng mưa. Qua kiểm tra, hiện nay mực nước ở các hồ chứa thấp hơn cao trình ngưỡng tràn từ 1-5m; các dập dâng mực nước xấp xỉ và thấp hơn ngưỡng tràn.
Theo ông Đinh Quang Hiền- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum, nguồn nước vẫn đảm bảo cung cấp phục vụ tưới vụ đông xuân 2014-2015 (theo số diện tích gieo sạ đã đăng ký), tuy nhiên, nếu tình hình thời tiết từ nay cho đến hết tháng 4 không có mưa, khô hạn, thiếu nước có thể xảy ra ở thành phố Kon Tum và 5 huyện khác trong tỉnh (Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi). Tổng diện tích cây trồng dự kiến khô hạn là trên 1.500ha, trong đó khoảng 700ha lúa, 800ha cà phê.
Trước thực trạng hạn hán trên, UBND tỉnh đã có liên tiếp nhiều văn bản, chỉ thị để chỉ đạo triển khai việc phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách như: theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhất là dự báo về mưa, dòng chảy, thường xuyên tổ chức kiểm tra cụ thể nguồn nước trữ tại các hồ chứa, sông, suối để có giải pháp ứng phó kịp thời; các địa phương, Ban quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi xây dựng phương án phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất theo điều kiện cụ thể từng vùng, từng khu vực để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ. Quản lý chặt nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước của các hồ chứa thuỷ lợi. Có biện pháp quản lý, sử dụng, phân phối nước hợp lý, có kế hoạch bố trí lịch tưới, tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; huy động các lực lượng và nhân dân nạo vét hệ thống kênh mương, cửa vào các cống lấy nước, trạm bơm tưới, khơi thông dòng chảy, lặp trạm bơm dã chiến…
Cao Nguyên