Doanh nghiệp và nông dân bắt tay làm “cách mạng” trên đồng mía

21/10/2016 09:03

Mấy năm gần đây, giá mía nguyên liệu trên thị trường xuống thấp, chính sách bảo hiểm giá mía của Công ty CP Đường Kon Tum thất thường, nhiều người trồng mía trên địa bàn tỉnh không còn mặn mà, gắn bó với cây mía; vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Đường Kon Tum cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, sau khi sắp xếp lại bộ máy, từ vụ mía này, Công ty CP Đường Kon Tum đã bắt tay với nông dân thực hiện cuộc “cách mạng” trên đồng mía với mục tiêu để nông dân sống được và làm giàu từ cây mía; từ đó, từng bước giúp mở rộng vùng nguyên liệu mía.

Công ty và người trồng đồng lòng thực hiện những bước đột phá trong trồng mía. Ảnh: TH

 

Theo đó, công ty đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, đầu tư chi phí, thu hoạch mía, bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm giá mía.

Ngược lại, người nông dân có đất liên kết trồng mía với công ty cũng phải hợp tác, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn, cam kết bán sản phẩm cho nhà máy của công ty.

Mục tiêu trước mắt sẽ đưa năng suất mía niên vụ 2016 – 2017 lên 100 tấn/ha và đến năm 2020 đạt khoảng 150 – 170 tấn/ha.

Ông Lê Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Kon Tum cho biết: Công ty thực hiện 2 chính sách hỗ trợ nông dân, đó là hỗ trợ không thu hồi tiền cày đất và phân bã mùn cải tạo đất; đầu tư thu hồi vốn có tính lãi đối với giống mía và phân bón.

Công ty hỗ trợ tiền cày đất với định mức từ 3,8 – 4,2 triệu đồng/ha (tuỳ từng khu vực) đối với các hộ đăng ký trồng mới và trồng lại.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc cày đất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, vụ này, công ty tiến hành cày đất cho nông dân bằng loại máy cày chuyên dụng với công suất trên 80 mã lực để cơ giới hóa khâu làm đất từ cày, bừa, băm đất đến khâu xới hàng chứ không hỗ trợ tiền dân tự làm đất bằng phương pháp thủ công hay máy móc không đảm bảo tiêu chuẩn.

Quá trình làm đất có sự giám sát chặt chẽ của nông dân, cán bộ công ty và sau khi hoàn thành phải có 3 bên nghiệm thu là người trồng mía, thợ cày và chủ đầu tư.

Hiện tại, công ty đã hợp đồng thuê cày 300ha đất chuẩn bị xuống giống đợt này.

Đồng thời, để cải tạo đất trồng mía, ngoài việc tự túc của nông dân, công ty còn hỗ trợ từ 20 – 25 tấn/ha bã bùn, qua đó sẽ nâng cao năng suất của cây mía.

Song song với khâu làm đất, năm nay, trên các cánh đồng mía ở Sa Thầy, thành phố Kon Tum sẽ được thay thế hoàn toàn bằng các giống mía mới phù hợp với từng chân đất.

Để thực hiện được điều này, công ty và nông dân đã bắt tay chia sẻ những khó khăn, tạo điều kiện để đưa giống mới vào canh tác.

Theo đó, công ty sẽ mua mía giống tại các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và vận chuyển về đến tận ruộng cung ứng cho nông dân mà không tính chi phí vận chuyển, thu hồi vốn từng bước; còn người dân cũng phải chịu lãi suất theo định mức 7%/năm để chia sẻ khó khăn với công ty.

Giống mới tuy đắt hơn về giá thành, nhưng lại có khả năng kháng bệnh tốt, cho chất lượng đường tốt hơn, năng suất cao hơn nên dù phải chịu thêm một chút lãi suất thì nông dân vẫn rất hào hứng.

Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng được công ty và nông dân thống nhất phương pháp đầu tư trả dần.

Ngoài ra, chính sách bảo hiểm giá mía cũng đã tái khởi động sau một thời gian bị gián đoạn khiến người trồng mía lao đao vì bị ép giá. Hiện nay, giá mía được công ty áp dụng đối với mía đạt trữ lượng đường 10CSC là 800đồng/kg tại ruộng. Khi giá mía nguyên liệu lên cao, công ty sẽ thu mua theo giá thị trường; còn khi giá mía xuống thấp, công ty sẽ mua theo giá bảo hiểm.

Rồi việc thu hoạch cũng được lên kế hoạch phù hợp, việc kiểm nghiệm chất lượng mía trước khi thu hoạch cũng được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo cây mía phải đủ độ chín để nông dân không bị trừ giá và đảm bảo chất lượng đường thành phẩm...

Với những giải pháp được Công ty CP đường Kon Tum và người trồng mía đang cùng nhau thực hiện, chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trên các cánh đồng mía. Mục tiêu mà công ty và người trồng mía hướng đến là sẽ từng bước hướng tới xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn, áp dụng kỹ thuật thâm canh cao để nâng cao thu nhập cho người trồng mía và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.

Thiên Hương

Chuyên mục khác