29/10/2024 06:04
Trên thực tế hiện nay, phát triển đô thị thông minh đang được triển khai mạnh mẽ diễn ra tại hầu hết các quốc gia, trên nền tảng “Trí tuệ nhân tạo” (AI-Artificial Intelligence) và “Mạng lưới thiết bị kết nối Internet” (IoT- Internet of Things), “Khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao” (Big Data).
Ở nước ta, khái niệm phát triển đô thị thông minh được đề cập tại Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 (Hội nghị Trung ương 4 khóa XII). Trong Nghị quyết nêu “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”.
Sau đó, một số địa phương, đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh đã đi đầu ban hành các đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh.
Theo đó, các đề án đã đưa ra lộ trình ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường, đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống.
|
5 lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất bao gồm Giáo dục thông minh, Y tế thông minh, Giao thông thông minh, Dịch vụ công thông minh, Hành chính công và Chính quyền điện tử, Du lịch thông minh.
Một điểm chung của các địa phương là bắt đầu từ hoàn thiện chính quyền điện tử, trong đó xây dựng trung tâm hành chính công, triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các cấp độ.
Đến tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; khai thác tối đa tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, tỉnh ta đã và đang chủ động nắm bắt, triển khai trong thực tiễn những nội dung, sản phẩm, thành quả quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Trước đó, từ tháng 9/2020, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Kon Tum (IOC) được khai trương và triển khai hoạt động thử nghiệm với 7 hợp phần: Giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; Giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế; Giám sát điều hành lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; Giám sát và điều hành phản ánh kiến nghị; Giám sát an toàn thông tin trên môi trường mạng; Giám sát an ninh trật tự, giao thông và đô thị.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả các hệ thống thôn tin nền tảng, dùng chung của tỉnh: Trục chia sẻ, kết nối dữ liệu của tỉnh (LGSP) và đã kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của UBND tỉnh, Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum, Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Kon Tum; Chứng thư số chuyên dùng của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; Hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh, Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Kon Tum.
|
Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 xác định “phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh”.
Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ ưu tiên là Đề án phát triển đô thị thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể hình dung một cách đơn giản rằng, đô thị thông minh là đô thị phát triển bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0: công nghệ thông tin và truyền thông và Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) làm nền tảng để quản lý, điều hành các hoạt động của đô thị.
Theo ông Trịnh Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đô thị thông minh phải là đô thị phát triển bền vững. Về kinh tế, đô thị thông minh có tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.
Về xã hội, đô thị thông minh có xã hội an toàn, trật tự, công bằng, bình đẳng. Về môi trường, đô thị thông minh có hệ thống sản xuất, tiêu dùng sạch, hệ thống năng lượng và các phương tiện giao thông thông minh.
Trong đó, nâng cao chất lượng sống của cư dân được coi là mục tiêu quan trọng nhất bởi lẽ đô thị thông minh là để phục vụ con người, cư dân đô thị thông minh phải có cuộc sống sống tốt, với bản sắc, đặc trưng và thế mạnh của chính mình, được kế thừa, xây dựng và hoàn thiện không ngừng để phát triển bền vững.
Mới đây, ngày 21/10, UBND tỉnh ban hành “Kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Kon Tum, phiên bản 1.0” (kèm theo Quyết định số 614/QĐ-UBND).
Theo các chuyên gia, đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm xác định một tập các thành phần logic theo các tiêu chí chung để giúp Kon Tum xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh theo đúng định hướng của Chính phủ, của tỉnh.
Tất nhiên, xây dựng đô thị thông minh là một hành trình mới mẻ và dài hơi. Cũng không có một mô hình chung cho các đô thị thông minh, mà tùy thuộc vào vai trò, vị trí, điều kiện tự nhiên, xã hội của đô thị và sự sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của tỉnh.
Trong quá trình đó, cần tuân thủ nguyên tắc: Người dân phải là trung tâm phục vụ.
Hồng Lam