28/11/2024 06:00
Đầu tiên là truyền thông về giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh để dân biết, dân hiểu, từ đó chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thấy lợi mà tham gia trồng. Hiệu quả mang lại là đồng bào Xơ Đăng đã bán trâu bò, vay ngân hàng đầu tư sâm. Địa phương tham gia tiếp sức thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi; kết nối doanh nghiệp lớn để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, nhằm giúp dân có thêm nguồn lực, kỹ thuật mở rộng đầu tư. Từ chỗ trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chỉ biết sản xuất cây lúa, cây mì, đồng bào Xơ Đăng đã tạo dựng được cơ ngơi là những khu vườn sâm tiền tỷ trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Giữa lúc biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, công tác bảo vệ môi trường sống của cây sâm rất được chú trọng. Hằng năm, huyện Tu Mơ Rông tranh thủ các nguồn vốn để phủ xanh đồi trọc ở các khu vực vùng đệm để trồng sâm. Hàng trăm hécta rừng vùng đệm đã mọc lên, giúp giữ được không khí lạnh cho vùng lõi trồng sâm, giúp cây sâm sinh trưởng tốt.
|
Đầu ra sản phẩm là vấn đề được triển khai xuyên suốt, liên tục. Tỉnh, huyện đã tổ chức các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án, trong đó, có sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đầu ra ổn định là doanh nghiệp trên địa bàn, huyện đã xây dựng các tour du lịch tham quan vườn sâm để người dân trực tiếp bán sâm cho khách; tổ chức các phiên chợ sâm để tìm kiếm thêm nhiều đối tác, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn bán sâm.
Công tác bảo vệ thương hiệu sâm, chống nạn trộm cắp, trục lợi từ cây sâm, giúp người dân, doanh nghiệp an tâm trồng sâm được quyết liệt triển khai từ tỉnh đến huyện. Các vụ trộm cắp được công an quyết liệt vào cuộc điều tra. Thành quả là nhiều đối tượng trộm sâm, mua bán sâm giả đã bị sa lưới. Mới nhất vào tháng 10/2024, Công an huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei đã triệt phát 2 vụ trộm cắp với 3 đối tượng tham gia, tang vật là 388 củ. Để tăng khả năng quản lý vườn sâm, huyện Tu Mơ Rông đã kêu gọi đơn vị viễn thông lắp đặt 2 trạm phát sóng tại 2 thôn yếu sóng là Đăk Dơn (xã Măng Ri) và Tu Thó (xã Tê Xăng) với giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ đó, đồng bào Xơ Đăng đã lắp camera giám sát, chỉ cần ngồi nhà mở điện thoại là có thể trông coi vườn, đỡ tốn công sức, thời gian.
Việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã giúp công cuộc đưa “quốc bảo” thành quốc kế dân sinh có sự đột phá rõ rệt. Diện tích sâm Ngọc Linh đã tăng nhanh chóng, hiện huyện đã có 2.400ha, làm cơ sở để triển khai mô hình du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh, giúp người dân bán sâm giá cao, còn du khách được chiêm ngưỡng môi trường sống của cây sâm, tự tay mua được sâm thật để bồi dưỡng sức khỏe.
Số lượng người dân trồng sâm và diện tích sâm do dân sở hữu liên tục tăng nhanh chóng. Không chỉ người có điều kiện mà hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng trồng sâm, hưởng lợi từ sâm. Đến nay, đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông đã sở hữu hơn 84ha sâm Ngọc Linh. Nhờ đó, những tỷ phú từ sâm đã hình thành, còn người nghèo đã thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh.
Sâm cũng được chế biến thành hàng chục sản phẩm để phục vụ cho mọi tầng lớp trong xã hội. Từ chỗ được được “gắn mác” chỉ người giàu mới có điều kiện thì nay mọi nhà có thể dùng thông qua sản phẩm từ phân khúc thấp như nước tăng lực, trà đến các loại giá trị như mật ong sâm, yến sâm, dịch chiết sâm, rượu sâm, củ sâm.
|
Quá trình xây dựng quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh đã thành công bước đầu nhưng thực tế vẫn có thể đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
Lý do vì ngoài 6 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông và 2 xã thuộc huyện Đăk Glei được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, thì còn nhiều địa phương khác cũng thích hợp trồng sâm. Điều này cho thấy, dư địa để mở rộng diện tích sâm còn rất lớn và nếu được mở rộng sẽ giúp thêm nhiều cộng đồng dân cư được hưởng lợi; người tiêu dùng có thêm nhiều sản phẩm sử dụng.
Tin vui cho người dân là mới đây, UBND tỉnh vừa phê duyệt Dự án mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh, triển khai ngay trong năm 2025. Dự án sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn 11 xã khác của các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và Kon Rẫy, nhằm mục tiêu cụ thể là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum mở rộng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo quy định.
Quyết định của UBND tỉnh nói trên được đánh giá sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân đồng bào trong việc tham gia trồng sâm, từ đó sớm biến quốc bảo thành quốc kế dân sinh. Đơn cử như tại huyện Tu Mơ Rông, có 4 xã được được đưa vào nghiên cứu mở rộng cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh là Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông. Đây là những xã có diện tích rừng lớn, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng sâm Ngọc Linh. Thực tế, người dân cũng đã thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh và sâm sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nếu các xã này được công nhận và được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ sẽ có hàng nghìn hộ dân được danh chính ngôn thuận trồng sâm, giúp họ chạm đến ước mơ làm giàu trên những ngọn núi đã gắn bó với họ từ bao đời nay.
Với huyện Tu Mơ Rông, hiện địa phương và người dân đang mong ngóng dự án sớm triển khai nghiên cứu. Địa phương sẵn sàng hợp tác với các đơn vị được giao nghiên cứu để đề án sớm được hoàn thành, giúp đồng bào làm giàu trên chính tài nguyên của mình, để người người, nhà nhà có thể dễ dàng sử dụng sâm Ngọc Linh.
Trung Mạnh- Phúc Nguyên