30/10/2024 06:06
Trong 9 tháng năm 2024, tỉnh ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế khá cao, với 7,34%, đứng thứ 27 cả nước; duy trì tốc độ cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.
Theo Cục Thống kê tỉnh, kinh tế tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy là nhờ “sức kéo” mạnh mẽ của một số lĩnh vực then chốt. Trong đó, sản xuất công nghiệp đóng góp chính, được thúc đẩy từ hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh thời gian qua tương đối thuận lợi. Phần lớn các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Có 36,36% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình tốt hơn quý trước; 45,45% đánh giá giữ nguyên và chỉ khoảng 18% đánh giá tình hình có khó khăn hơn.
|
Phần lớn các doanh nghiệp đều dự báo tình hình sản xuất sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn chiếm đến 45,45%; tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 33,33%.
Những thông tin trên càng có ý nghĩa khi biết rằng, bước vào năm 2024 có nhiều dự báo cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức, với sự cạnh tranh cao và nhiều biến động, vướng mắc.
Trước đây, làm việc với các doanh nghiệp, tôi đã chứng kiến nhiều cái khó của họ. Một số chủ doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh nguồn vốn, doanh nghiệp mong muốn làm thế nào để các quy định pháp luật trở nên đơn giản, dễ nắm bắt, tạo thuận lợi cho họ trong việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ.
Họ cũng mong muốn được hỗ trợ kịp thời, nếu có khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như khi gặp phải các vấn đề bất cập về đất đai và đã nỗ lực phản ánh với địa phương hoặc cơ quan chức năng, nhưng thời gian chờ đợi giải quyết quá lâu, đến khi được triển khai hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp đã vụt mất cơ hội kinh doanh.
Bên cạnh đó, chính quyền chú trọng tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; giảm thiểu chi phí tuân thủ về tài chính và thời gian cho doanh nghiệp; hoặc quan tâm cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp.
Và những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy, những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang được quan tâm giải quyết.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá, chính quyền các cấp và các ngành chức năng đang tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh.
|
Thời gian qua, tinh thần “đồng hành và phục vụ” đã được tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đảm bảo rằng, lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, địa phương nắm rõ tình hình khó khăn, những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải; lắng nghe được kiến nghị từ chính doanh nghiệp để đưa ra phương án giải quyết cụ thể nhất.
Các kênh đối thoại giữa các cơ quan chức năng, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp được thiết lập và duy trì, như đối thoại giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp, hay Chương trình Cà phê doanh nghiệp-doanh nhân, để bảo đảm các thách thức, trở ngại mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gặp phải được giải quyết một cách tích cực và chủ động.
Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được duy trì và thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Trịnh Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính được hướng dẫn đầy đủ, dễ hiểu, chỉ phải bổ sung thông tin, chỉnh sửa hồ sơ, văn bản không quá một lần.
Hiện tượng doanh nghiệp phải đi lại hết lần này đến lần khác, mỗi lần chỉ để thực hiện một yêu cầu khác nhau đã và đang được khắc phục.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên. Cũng theo Cục Thống kê, kết quả khảo sát về mong muốn được nhận hỗ trợ của doanh nghiệp cho thấy, 46,9% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nguyên vật liệu; 46,9% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vay vốn.
Đặc biệt, 44,9% doanh nghiệp mong muốn thông tin đấu thầu công khai, minh bạch; 22,4% mong muốn có chế tài xử phạt chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản; 22,4% doanh nghiệp cần được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Mới đây, tại văn bản số 3826/UBND-KTTH ngày 24/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Quá trình ban hành chính sách cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh- văn bản nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo nhiều chủ doanh nghiệp, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.
Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.
Và quan trọng nhất là, cơ quan quản lý đặt mình vào vai chủ doanh nghiệp để đồng hành, phục vụ, không tạo thêm rào cản hay chi phí cho doanh nghiệp.
Thành Hưng