30/09/2015 11:10
Nâng cao chất lượng nguồn lao động và bảo đảm an ninh lương thực
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, để góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nông nghiệp, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT, các loại giống mới cho người dân áp dụng vào sản xuất. Theo đó, hàng năm có hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo nghề sản xuất cà phê bền vững, kỹ thuật thâm canh cà phê chè, cao su, bời lời, thanh long ruột đỏ, bắp lai, trồng nấm, vỗ béo bò, heo siêu nạc, nuôi cá nước ngọt… được tổ chức; đồng thời cấp phát hàng chục nghìn quyển sách, tờ rơi phổ biến kỹ thuật sản xuất và sơ chế sản phẩm cho nông dân.
Trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, ngành cùng các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo nghiệm, trình diễn các mô hình, giống lúa mới, bắp lai có năng suất cao, chất lượng tốt để bổ sung vào bộ giống của tỉnh. Nhiều loại giống lúa như HT1, Tám thơm, VND 95-20, Xuân mai, RVT, HT9, Nàng hoa 9… có năng suất và chất lượng gạo, cơm thơm ngon được đưa vào sản xuất đại trà. Đặc biệt, tỉnh đã tuyển chọn giống lúa chịu lạnh SH2, ĐB6, AN13, BM9855, TBR1… để phục vụ cho vùng Đông Trường Sơn. Nhiều hộ giỏi thâm canh lúa mới năng suất đạt 8-9 tấn/ha. Đối với cây bắp, các tổ hợp TB1 đến TB8, TB61, LVN14, LVN15, LVN99, CH9, CH11, CH15… được khảo nghiệm có năng suất từ 6,5-8 tấn/ha cũng được đưa vào sản xuất. Vì thế, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ 106 nghìn tấn năm 2010 lên khoảng 114 nghìn tấn năm 2015. Lương thực làm ra không chỉ bảo đảm cho nhu cầu của người dân, mà còn là nguồn hàng hóa và góp phần vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Phát huy tiềm năng, khai thác thế mạnh
Lĩnh vực cây công nghiệp và các cây trồng, sản phẩm chủ lực như cao su, cà phê, mì, sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh… cũng có những chuyển biến mạnh.
Đối với cao su, bằng việc thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su tiểu điền và chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trồng cây cao su ở huyện Ia H’Drai, đã nâng diện tích cao su từ 43.870ha năm 2010 lên 74.653ha (trong đó có gần 29.000ha cao su tiểu điền) năm 2015, tăng 30.783ha. Các giống cao su có năng suất cao được đưa vào sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến cao su được đầu tư xây dựng ở các huyện đã góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm cho người nông dân.
Đối với cây cà phê, bằng việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh với giống cà phê catimor F7 (chọn lọc), F1TN1 ở các xã vùng Đông Trường Sơn và việc sản xuất cà phê an toàn, cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) và UTZ CERTIFIED (Chương trình chứng nhận toàn cầu, thực hành nông nghiệp tốt) ở vùng chuyên canh cà phê vối huyện Đăk Hà, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Các giống cà phê vối như TR4 đến TR13 và giống lai đa dòng TRS1 có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Diện tích cà phê từ 11.650ha năm 2010 lên 14.866ha năm 2015, tăng 3.216ha. Sản lượng cà phê nhân từ 21 nghìn tấn năm 2010 dự kiến lên trên 33 nghìn tấn năm 2015.
|
Trong quá trình sản xuất, chế biến, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu cà phê bột nguyên chất Đăk Hà, Huy Hùng, Sáu Nhung, Thanh Hương, Da Vàng… Trong đó, sản phẩm cà phê bột nguyên chất Đăk Hà với “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” của Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà được người tiêu dùng bình chọn TOP 500 sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam, hàng Việt Nam chất lượng cao, TOP 20 sản phẩm người tiêu dùng tin cậy và CUP vàng tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng...
Đối với cây mì, tỉnh không chủ trương mở rộng diện tích. Diện tích mì từ năm 2010 đến nay chỉ ổn định 37-38 nghìn héc ta. Tuy nhiên, với việc đưa các loại giống mì cao sản KM94, KM98, KM140… và chuyển giao kỹ thuật cho người dân thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng mì thu được từ trên 560 nghìn tấn năm 2010, dự kiến lên gần 590 nghìn tấn năm 2015. Nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn ở các huyện đã góp phần giải quyết việc làm và đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Đối với cây sâm Ngọc Linh, tỉnh đã tiến hành quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Diện tích sâm Ngọc Linh đến nay đã phát triển được trên 180ha. Đặc biệt, năm 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia cho sâm Ngọc Linh” triển khai tại vùng núi Ngọc Linh, huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông với số vốn đầu tư gần 570 tỷ đồng.
Việc phát triển rau hoa xứ lạnh cũng có những biến chuyển tích cực. Diện tích đất được quy hoạch phát triển trên địa bàn xã Măng Cành, Đăk Long (Kon Plông) gần 1.400ha; trong đó, đã giới thiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ trên 600ha. Hiện tại, các đơn vị và các hộ đã trồng hơn 30ha rau hoa. Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào Măng Đen như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp của Công ty CP Tập đoàn VinGroup, với tổng vốn hàng ngàn tỷ đồng, đã mở ra một cơ hội mới cho Măng Đen.
Việc phát triển cá hồi, cá tầm cũng có nhiều triển vọng mới. Mặc dù do khủng hoảng kinh tế, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty Hoàng Ngư, Công ty CP số 1 Kon Tum vẫn đang tiếp tục duy trì phát triển cá hồi, cá tầm. Đặc biệt, Công ty CP số 1 Kon Tum đang phối hợp với đối tác Nga xây dựng Trung tâm ương ấp giống cá tầm và sản xuất trứng caviar.
Việc bảo vệ và phát triển rừng, nhất là việc xử lý đất chồng lấn, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… đã giúp cho các chủ rừng có điều kiện phát triển lâm nghiệp bền vững và góp phần nâng cao đời sống người dân sống gần rừng.
Dấu ấn và bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp đặt nền móng cho nền nông nghiệp tỉnh phát triển mạnh, bền vững hơn trong những năm đến và góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trần Văn Nhiên