25/11/2016 18:03
3 bài toán khó đã có lời giải
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND, đồng chí Nguyễn Hữu Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nhận xét: Việc dán tem đồng hồ tổng các phương tiện đo xăng dầu sẽ là giải pháp “3 trong 1”, giải quyết cùng lúc được 3 bài toán khó trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đó là: tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh xăng dầu; bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Là người có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ông Võ Đình Tiến - Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum (Công ty xăng dầu Bắc Tây Nguyên, Petrolimex) cũng đồng tình: Chỉ có niêm phong đồng hồ tổng mới quản lý tốt lượng xăng dầu bán ra, làm cơ sở tính doanh thu, tính thuế.
Đơn cử thế này, chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuế bảo vệ môi trường, hiện nay, 1 lít xăng đóng 3.000 đồng, 1 lít dầu đóng 1.000 đồng. Nếu không quản lý được tình trạng nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường về bán sẽ thất thoát một lượng thuế không nhỏ. Khi dán tem, sẽ khắc phục được tình trạng này, bởi cơ quan thuế kiểm soát được lượng hàng nhập, hàng bán- ông Tiến phân tích.
Về phía liên ngành, ông Lữ Quốc Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Tuy công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã có những biến chuyển tích cực, tuy nhiên, vẫn còn thất thu thuế do cơ sở kinh doanh vi phạm chế độ kế toán và sử dụng hóa đơn chứng từ; việc sử dụng bảng kê bán lẻ hàng hóa chỉ mang tính hình thức, đặc biệt, phần lớn các cơ sở không đăng ký kiểm định bộ đếm và bồn chứa.
Vì vậy, để đảm bảo chống thất thu thuế và hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 11/10/2016 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, áp dụng giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ tổng các trụ bơm xăng dầu mà một số nơi như Nghệ An, Thái Bình, Lâm Đồng đã áp dụng thí điểm đem lại hiệu quả cao, như tăng thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và được xã hội đồng tình, ghi nhận.
Sự đồng thuận từ các doanh nghiệp
Thực hiện Chỉ thị số 10/2016/CT-UBND, ngày 11/10/2016 của UBND tỉnh, từ ngày 16/11, liên ngành gồm Cục Thuế tỉnh, Công thương, Khoa học – Công nghệ chính thức triển khai việc dán tem niêm phong các cột bơm xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, để việc dán tem niêm phong các trụ bơm xăng dầu được thuận lợi, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức đối thoại với tất cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
|
Trong những ngày tham gia Đoàn liên ngành dán tem niêm phong đồng hồ tổng trụ bơm xăng dầu tại các địa phương Đăk Glei, Ngọc Hồi, chúng tôi nhận thấy do việc dán tem bảo đảm khách quan, minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật thuế nên đã nhận được sự đồng thuận cao của các chủ cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ở nhiều cửa hàng, khi Đoàn liên ngành đến, các trụ bơm xăng đều đã được mở khóa, gỡ vỏ bảo vệ sẵn sàng, chờ dán tem.
Ông Võ Văn Hưởng - Chủ cửa hàng xăng dầu Tiến Sỹ (thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) chia sẻ: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương dán tem niêm phong đồng hồ tổng của các phương tiện đo xăng dầu của tỉnh nhằm đảm bảo công khai, công bằng đối với tất cả các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Huyện Ngọc Hồi là địa phương có nhiều cửa hàng xăng dầu thứ hai trên địa bàn tỉnh (chỉ sau thành phố Kon Tum), với 52 trụ bơm của 12 cửa hàng, do dự tính sẽ mất nhiều thời gian nên Đoàn liên ngành “ưu tiên” tiến hành làm việc từ...12h trưa. Nhưng với sự hợp tác tích cực của các chủ cơ sở và nhân viên, việc dán tem diễn ra thuận lợi và hoàn thành chóng vánh.
Ông Nguyễn Đức Hưởng- chủ cửa hàng xăng dầu Tuấn Nam (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) bày tỏ sự hài lòng vì việc dán tem được thực hiện nhanh chóng, không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Ông cho rằng, sau khi dán tem, doanh nghiệp buộc phải tăng cường tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc trong việc viết hóa đơn cho người tiêu dùng khi bán hàng, và như vậy sẽ ngăn chặn được việc khai man trốn thuế cũng như tình trạng tiêu thụ xăng dầu nhập lậu.
Theo kế hoạch thì định kỳ vào ngày đầu và ngày cuối của tháng, quý, cơ quan thuế phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để ghi chỉ số trên đồng hồ tổng của từng cột bơm xăng, xác định lượng xăng, dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ. Qua đó, đối chiếu với tờ khai của người nộp thuế, đối chiếu với hóa đơn đầu vào của nhà cung cấp, nếu có chênh lệch cơ quan thuế sẽ tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp phát hiện tem niêm phong bị rách, hỏng hoặc các cột bơm xăng dầu cần sửa chữa liên quan đến việc bóc dỡ tem niêm phong cần thông báo kịp thời với cơ quan quản lý thuế trực tiếp và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để được giải quyết.
Đánh giá về quá trình dán tem, ông Phạm Thanh Sơn- Trưởng phòng Thanh tra Thuế (Cục Thuế Kon Tum) cho hay: Sự đồng thuận của các doanh nghiệp cho thấy sự đúng đắn, kịp thời của Chỉ thị 10/CT-UBND. Sau khi hoàn thành việc dán tem, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để bảo đảm mang lại hiệu quả lâu dài cho chủ trương này...
Thành Hưng