13/10/2024 13:09
Với lợi thế đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển hầu hết các loại cây trồng, Đăk Hà có thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, huyện Đăk Hà đề ra chủ trương, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Theo đó, huyện Đăk Hà tập trung lựa chọn một số sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, lúa gạo, cây ăn trái, rau củ để đầu tư, hình thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương của huyện tích cực tuyên truyền, khuyến khích, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư chế biến sâu, tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
|
Huyện Đăk Hà hiện có 8.764,8ha cây trồng hàng năm; 23.196,2 ha cây lâu năm và 312,5 ha cây dược liệu. Với việc tăng cường xây dựng cánh đồng lớn, triển khai liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đến nay, huyện Đăk Hà đã xây dựng 8 cánh đồng lớn trồng cà phê, 9 cánh đồng lớn trồng lúa, 1 cánh đồng lớn trồng rau, hoa.
Toàn huyện Đăk Hà đã có 35 sản phẩm được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận, trong đó 27 sản phẩm còn thời hạn công nhận.
Thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng của Đăk Hà tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường, xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương.
Nổi bật là việc phiên chợ nông nghiệp sạch được huyện Đăk Hà tổ chức 2 lần/năm. Bên cạnh đó, vào các ngày cuối tuần, Hội quán Đăk Hà ngày mùa còn tổ chức các phiên chợ nông sản kết hợp với các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch. Qua đó, giúp các doanh nghiêp, hợp tác xã, người dân quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp từ các loại rau, củ, quả, thịt, cá, trứng gia cầm, trái cây sấy, cà phê, thảo dược, sản phẩm công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống đến người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn. Đồng thời, tạo môi trường giao lưu, hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thông qua đó, các doanh nghiệp, người sản xuất cũng có điều kiện nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Song song với việc tổ chức hoạt động tiêu thụ tại địa bàn, huyện Đăk Hà đặc biệt quan tâm đến việc xuất khẩu và đưa hàng hóa nông sản vào kênh tiêu thụ hiện đại.
|
Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà khẳng định với chúng tôi rằng, thời gian qua, huyện Đăk Hà đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đến nay, huyện Đăk Hà có 13 mã số vùng trồng cây ăn trái và cà phê, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Huyện Đăk Hà cũng đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các nền tảng số. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp các đơn vị, cá nhân quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu, tiếp cận với phương thức bán hàng mới hiện đại và bền vững, tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.
Hiện nay, các sản phẩm nông sản đặc trưng như cà phê, gạo thơm Đăk Hà, măng khô, trái cây sấy của huyện Đăk Hà đều được quảng bá, tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum, các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee và website bán hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bà Phạm Thị Thương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết, việc huyện Đăk Hà đẩy mạnh các kênh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản địa phương có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đa dạng, phong phú với những sản phẩm đặc trưng vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, giúp nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thiên Hương