Đa dạng mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

27/10/2024 06:21

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều tác động, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Để giúp người dân thích ứng với điều này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Trước đây, một số cánh đồng trên địa bàn xã Đăk Ngọk thường thiếu nước tưới vào vụ Đông- Xuân, không đảm bảo canh tác lúa 2 vụ. Nhưng trong vòng 4 năm trở lại đây, với sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, xã Đăk Ngọk tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại hoa màu như bắp, khoai, đậu tương, rau màu hoặc xen canh một vụ lúa một vụ màu. Đến nay, xã Đăk Ngọk có khoảng 60ha đất ruộng thường xảy ra hạn hán được người dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Tương tự, thời gian qua, với sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác của Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Thế hệ mới xã Đăk Mar từng bước thay đổi phương thức canh tác cà phê theo kiểu truyền thống sang canh tác cà phê theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình trồng cà phê tiêu chuẩn 4C của HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Thế hệ mới xã Đăk Mar được đông đảo người dân tham quan, học tập. Ảnh: T.H

 

Ông Phạm Xuân Bé- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Thế hệ mới xã Đăk Mar chia sẻ: Hiện, Hợp tác xã có hơn 500ha cà phê của 99 thành viên. Toàn bộ diện tích này được áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; đó là, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, thực hiện tưới nước tiết kiệm, thu hoạch đảm bảo tỷ lệ quả chín trên 90%…Nhờ vậy, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, góp phần hạn chế tác động đến môi trường sinh thái, vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, có trên 250ha cà phê đã được cấp chứng nhận cà phê 4C, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trên 500 tấn cà phê nhân xô đạt chất lượng, với giá bán cao và ổn định.

Ở thành phố Kon Tum, từ năm 2019 đến nay mô hình “trồng mía hố trên đất đồi” ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân.

Với phương pháp trồng khoan hố giúp làm tăng khả năng giữ ẩm, chất lượng dưỡng, đảm bảo cho cây mía phát triển tốt trong điều kiện vùng đất dốc, dễ bị rửa trôi, xói mòn, không chủ động được nước tưới. Cách làm mới này vừa góp phần khắc phục được hạn chế của phương thức trồng mía truyền thống là chỉ trồng trên các chân ruộng bằng phẳng, nhiều phù sa, tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích trồng mía, thay thế cho cây mì, vừa giúp nâng cao năng suất cây mía. Năng suất mía nguyên liệu canh tác theo phương pháp khoan hố đạt khoảng 90-100 tấn/ha, cao hơn từ 10-20% so với trồng mía truyền thống.

Không chỉ trên lĩnh vực trồng trọt mà trong lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, góp phần giải quyết được các vấn đề khó khăn về dịch bệnh, thời tiết… mà chăn nuôi truyền thống thường gặp phải.

Tiêu biểu như mô hình nuôi gà đẻ trứng của 10 hộ gia đình tại phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) với quy mô hơn 5.000 con. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, các hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi tiên tiến, làm chuồng tại khép kín, có điều khiển nhiệt độ, sử dụng máng ăn, uống tự động… đảm bảo đàn gà phát triển ổn định, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình trồng mía hố góp phần khắc phục những hạn chế của phương thức trồng mía truyền thống và cho năng suất cao hơn. Ảnh: T.H

 

Có thể nói, trong điều kiện khí hậu ngày càng có nhiều thay đổi, việc triển khai, nhân rộng các mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp chủ động, thích ứng với các điều kiện thời tiết là cần thiết.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh được triển khai từ 2018-2023 để có cơ sở tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng.

Theo thống kê, có 48 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 17 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi, 8 mô hình trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và 15 mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp đã triển khai trên địa bàn tỉnh đều dựa vào đặc điểm tự nhiên, xã hội của các địa phương. Qua đó, giúp người dân tiếp cận với các phương thức sản xuất mới, thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, khí hậu và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực tế, cho thấy, những năm qua, ở nhiều nơi, người dân ngày càng mạnh dạn, chủ động chuyển đổi những diện tích trồng mì bạc màu, cao su đã hết chu kỳ khai thác sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, mắc ca, cây ăn quả gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học, sử dụng công nghệ mới, an toàn sinh học.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 14.500ha cà phê và 1.500ha cây ăn quả các loại áp dụng công nghệ tự động, bán tự động; sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; sản xuất theo hướng an toàn. Khoảng 900ha trồng rau, củ, quả, hoa được sản xuất trong nhà màng, nhà kính; áp dụng công nghệ tự động hoá trong trồng, chăm sóc. Có 59 trang trại áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, 40ha nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao.

Việc ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân đa dạng các mô hình sản xuất, mở rộng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu đã đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thiên Hương

Chuyên mục khác