Công nghiệp Kon Tum: Dấu ấn 25 năm

12/08/2016 17:11

Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, diện mạo ngành Công nghiệp của tỉnh đã có những đổi thay rõ nét, phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh

 

Từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu của những ngày đầu mới thành lập lại tỉnh; sau 25 năm nỗ lực vượt mọi khó khăn, ngành Công nghiệp Kon Tum đã có những bước phát triển vượt bậc. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng tăng; giá trị sản xuất toàn ngành không ngừng tăng lên qua mỗi năm; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tháng 8/1991, khi vừa thành lập lại, kinh tế của tỉnh hết sức khó khăn; trong đó, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, thiếu vốn hoạt động, sản phẩm ít, chất lượng thấp. Toàn tỉnh chỉ có trên 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chủ yếu là sản xuất nông cụ cầm tay, xà phòng, gạch ngói, đường thô... Giá trị tổng sản phẩm công nghiệp năm 1991 chỉ đạt 7,6 tỷ đồng.

 Với quyết tâm đưa Kon Tum nhanh chóng vượt qua những khó khăn; Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh (tháng 5/1992) đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 1992 - 1995; trong đó có mục tiêu đưa giá trị sản lượng công nghiệp đạt 26 - 28 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, được sự quan tâm của Trung ương, Kon Tum được Chính phủ đầu tư công trình đường dây 500kv Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh với chiều dài 126,2km từ huyện Đăk Glei đến xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) và thủy điện Ia Ly - đây là những công trình lớn, có ý nghĩa cả về mặt kinh tế cũng như chính trị, xã hội của tỉnh.

Đón nhận chủ trương của Trung ương, Kon Tum đã tập trung dồn sức để hỗ trợ các công trình này. Đồng thời, tỉnh cũng chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các nghề truyền thống, mở nhiều nghề mới ở khu vực thành thị và nông thôn; coi trọng chế biến nông sản theo hình thức tổ hợp tác và gia đình; xây dựng một số nhà máy chế biến nông sản; phát triển cơ khí sửa chữa, công nghiệp năng lượng và sản xuất vật liệu xây dựng...

Nhà máy thuỷ điện Plei Krông - Một trong những công trình thuỷ điện lớn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TH

 

Với những chủ trương đúng đắn và giải pháp thiết thực, sự nỗ lực của các cấp, các ngành; công nghiệp của tỉnh giai đoạn này đã đạt được những thành tựu đáng kể; nếu như năm 1992, tỉ trọng công nghiệp - xây dựng chỉ đạt 7,41% trong GDP, thì đến năm 1995 là 13%.

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế về phát triển kinh tế trong thời gian đầu mới thành lập lại, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Kon Tum đến năm 2000; năm 1996, Sở Công nghiệp bấy giờ đã xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Kon Tum đến năm 2000”.

Đề án xác định các mục tiêu nâng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến từ 72- 86% trong giá trị sản xuất toàn ngành; tập trung đầu tư cho cơ sở chế biến công nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và một số cơ sở lớn trên lợi thế có sẵn, đặc biệt chú trọng công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm như mía đường, tinh bột sắn, nước giải khát đóng chai, nhựa thông, đũa, song mây, dược liệu… và chế biến khoáng sản như khai thác vàng, đá ốp lát, bauxit, mangan, gạch ngói, thiếc… Từ đó, hình thành một số điểm công nghiệp chế biến trên trục đường giao thông huyết mạch là Quốc lộ 14 và 24.

Với những quyết tâm và nỗ lực của cả tỉnh nói chung và ngành Công  nghiệp nói riêng, trong 5 năm (từ 1996- 2000) giá trị công nghiệp- xây dựng đã tăng 8,12%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 13% năm 1995 lên 13,24% năm 1999.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã sớm được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, như nhà máy đường, nhà máy gạch tuy nel, xí nghiệp may thêu xuất khẩu... Một số ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp được khôi phục như dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát... Nhiều việc làm được tạo ra, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.

Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận; đến năm 2000, ngành Công nghiệp của tỉnh phát triển chưa cao, sản phẩm làm ra còn ít, kém chất lượng, thị trường tiêu thụ bấp bênh; các vùng sâu, vùng xa hầu hết vẫn chưa có điện.

Khắc phục những tồn tại này, để tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm tăng nguồn lực cho địa phương và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Với chủ trương phát huy nội lực cùng với việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương đầu tư, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, kinh tế của tỉnh nói chung và ngành Công nghiệp nói riêng từ năm 2001 - 2005 trở đi đã có những bước phát triển đáng kể. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 15,69% năm 2001 lên 19,04% năm 2005; một số khu, cụm công nghiệp được hình thành, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được xây dựng mới, mở rộng về quy mô, bước đầu có một số doanh nghiệp nước ngoài liên doanh đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh đã có 2 khu công nghiệp được triển khai xây dựng là Khu công nghiệp Hoà Bình và Khu công nghiệp Sao Mai; 3 cụm công nghiệp được quy hoạch gồm: Khu công nghiệp Hoà Bình (mở rộng), Khu công nghiệp Đăk Tô và Cụm công nghiệp Đăk La.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh, đầu năm 2007, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006 - 2010; trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2010, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 25 - 26% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn này, các khu, cụm công nghiệp được rà soát, điều chỉnh theo hướng mở rộng nhằm thu hút đầu tư và đảm bảo mục tiêu phát triển nhóm ngành công nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo nhiều việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách.

Xác định cần phải tập trung đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực nhằm tạo mũi nhọn có tác dụng kéo các vùng lân cận trong phát triển kinh tế, năm 2007, tỉnh đã chọn thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, Kon Plông là 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh gắn với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Khai thác lợi thế về tài nguyên nước, tỉnh chủ trương thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy điện nên trong giai đoạn này, ngoài các dự án thủy điện quốc gia như Sê San 3, Sê San 3a, Sê San 4, Plei Krông, nhiều dự án đầu tư thủy điện nhỏ và vừa được tỉnh cấp phép triển khai như Đăk Rô Sa, Đăk Pô Ne 2, Đăk Snghé.

Với những giải pháp đúng đắn, giai đoạn này, ngành Công nghiệp của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, ấn tượng. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 6 lần so với năm 2005, các cơ sở sản xuất - chế biến được sắp xếp theo hướng mở rộng quy mô và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ba vùng động lực kinh tế dần được hình thành; các khu, cụm công nghiệp ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Từ năm 2011 đến nay, mặc dù chịu tác động chung trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, Công nghiệp của tỉnh vẫn giữ đà tăng trưởng khá.

Đặc biệt, Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 27/7/2011 về xây dựng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực tỉnh đến năm 2020 đã từng bước được cụ thể hoá bằng các kế hoạch, đề án, chương trình, góp phần khai thác tốt hơn các lợi thế của tỉnh, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành giai đoạn 2010 - 2015 đạt 15,54%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 4.150 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 sẽ đạt khoảng 4.650 tỷ đồng; trong đó, công nghiệp khai thác khoáng sản là 360 tỷ đồng, công nghiệp chế biến là 3.310 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước là 980 tỷ đồng...

Có thể nói, sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, diện mạo ngành Công nghiệp của tỉnh đã có những đổi thay rõ nét, phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh, tạo được việc làm cho người lao động. Bước phát triển nhanh, vững chắc của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và là một trong những điều kiện thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian đến.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác