Chuyện vui bên vườn sâm

04/09/2016 07:09

Đúng ngày UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Giấy chứng nhận (26/8), chúng tôi đã ngược núi về Tu Mơ Rông để gặp gỡ, chuyện trò và chia vui với những người dân đang âm thầm, lặng lẽ góp sức bảo tồn loại thần dược này…

Sau thời gian dài nỗ lực, cuối cùng, sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” tại khu vực địa lý các xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đúng ngày UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Giấy chứng nhận (26/8), chúng tôi đã ngược núi về Tu Mơ Rông để gặp gỡ, chuyện trò và chia vui với những người dân đang âm thầm, lặng lẽ góp sức bảo tồn loại thần dược này…

Tin vui lan tỏa dưới tán rừng

Chiếc xe máy cũ kỹ chở 2 người lỉnh kỉnh ba lô, túi xách ì ạch vượt đèo Măng Rơi quanh co, cao hun hút trong màn mưa để vào Tu Mơ Rông. Sự mệt mỏi sau hành trình dường như biến mất khi tôi nghe anh Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện nói như reo vui: Mừng và tự hào quá em ơi. Trong cuộc họp giao ban sáng nay (26/8), anh đã thông tin cho lãnh đạo các xã về sự kiện sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và yêu cầu triển khai ngay việc tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến người dân, nhất là bà con 2 xã Măng Ri, Ngọc Lây.

Niềm vui ấy cứ kéo dài suốt chặng đường gian nan lên “chốt sâm” ở làng Măng Rương (xã Ngọc Lây), và cũng nhờ thế mà tôi và Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Hải Nam - người trực tiếp lái xe đưa chúng tôi vào xã - có thể “về đích” sau hơn tiếng đồng hồ đi bộ băng rừng. Nhìn thấy Bí thư Đảng ủy xã A Đình Chung, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đang đi thoăn thoắt phía trước mà “ghen tỵ”. Bí thư Chung còn cười động viên: Sắp đến rồi đấy. Thế này thì nhằm nhò gì, tuần nào mà em không đi một vòng cả 3 “chốt”, hết đúng 3 tiếng đồng hồ.

Sau 3 lần nghỉ, tôi mới lê được tấm thân rã rời đến “chốt” sâm đầu tiên của nhà A Bên, mồm mũi thi nhau thở. May mà trời không mưa. Giữa rừng già thâm u, tôi ngạc nhiên và thích thú ngắm nhìn “rừng sâm” trước mắt, định bước vào vườn, anh Đang níu lại: Từ từ, để A Linh (cháu của A Bên ở lại trông coi vườn sâm) dẫn đi kẻo dính bẫy hoặc chông đấy.

Đặt bẫy trong vườn sâm. Ảnh: L.H

 

Và thế là dưới sự dẫn dắt - và cả sự cảnh giới chặt chẽ - của A Linh, tôi vượt qua chi chít chông, bẫy, đặt chân vào vườn. Nếu không được nhìn thấy, được dạo bước giữa 2 luống sâm, được sờ lên lá sâm thì tôi không thể tin được, dưới tán rừng già là hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh ở nhiều độ tuổi đang vươn lá xanh tươi.

Nghe tôi xuýt xoa khen, A Bên cười hiền, chỉ ngược lên núi: Mình chỉ có 5 sào thôi, mới trồng năm 2014. Tý nữa đi lên chốt 2, chốt 3 trên kia mới nhiều. Sáng nay nghe anh Chung (Bí thư xã A Đình Chung- P.V) nói qua điện thoại là sâm Ngọc Linh được cấp giấy chứng nhận gì đấy quý lắm. Mình không hiểu rõ, chỉ biết là củ sâm mình làm ra sẽ được công nhận và bảo vệ lâu dài trên cả nước, bà con sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để trồng sâm là mừng rồi.

Già A Điện Biên chăm sóc luống sâm giống. Ảnh: L.H

 

Từ chốt sâm nhà A Bên, chúng tôi ngược lên chốt số 3, thuộc làng Kô Xia, nằm trên độ cao gần 1.900m. Cả khu vườn rộng hơn 1ha, độ tuổi sâm từ 1-3 năm được Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh liên kết, hỗ trợ 6 hộ gia đình thôn Kô Xia, gồm A Điện Biên, A Hít, A Hốt, A Chiến, A Ngăn, Y Em trồng từ năm 2013. Cũng giống như chốt dưới, khâu bảo vệ rất nghiêm nghặt, mỗi bước đi của tôi đều phải có A Hốt dẫn đường. Ông A Điện Biên, năm nay đã 71 tuổi nhưng còn khỏe lắm, đang lúi húi ken lại hàng rào thì nhắc: Cẩn thận đạp bẫy. Thật ra đặt bẫy, chông chỉ là để ngăn thú rừng phá hoại thôi. Nhím, sóc, dúi, tê tê, chuột rất hay vào ăn củ sâm, chim rừng thì thích hạt…

Trò chuyện một lúc, tôi vừa mới khoe với ông về sự kiện công bố và nhận Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh, ai ngờ nghe ông thủng thẳng nói rằng đã biết từ chiều qua rồi; rằng ông đã báo tin vui cho các gia đình khác, dù chưa hiểu hết ý nghĩa của Giấy chứng nhận ấy, nhưng ai cũng vui vì giờ thì cả nước biết đến ở cái xã Ngọc Lây heo hút này có nhiều nhà trồng được sâm. Ông còn khoe: Chiều nay con trai mình được mời về tỉnh dự lễ công bố giấy chứng nhận đấy...

Dự định mới và những trăn trở

Trên đường trở ra, Trưởng phòng NN&PTNT- Nguyễn Hải Nam cho biết, từ năm 2014, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng sâm Ngọc Linh đang dần phát triển. Tham gia liên kết, ngoài việc được ăn chia sản phẩm sau thu hoạch, hàng tháng mỗi hộ được doanh nghiệp hỗ trợ 3 triệu đồng và lương thực, từ đó tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân tại chỗ. Không chỉ vậy, khi mô hình này được nhân rộng còn góp phần quan trọng bảo vệ rừng, bởi sâm là loại cây đặc hữu, đời sống của nó không thể tách rời khỏi rừng già.

Hồi sáng, trước khi lên chốt sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện - Vương Văn Mười cũng đã “phác thảo” qua những dự định mới: Ngay sau lễ công bố, huyện Tu Mơ Rông sẽ chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; vận động người dân duy trì và chăm sóc tốt diện tích hiện có nhằm tạo nguồn giống ổn định phục vụ việc mở rộng diện tích; lên kế hoạch lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình MTQG để hỗ trợ giống cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển vùng sâm trên địa bàn và bao tiêu sản phẩm cho bà con...

Có nhiều dự định về một tương lai tươi sáng cho sâm Ngọc Linh, cũng là tương lai sáng cho huyện nghèo Tu Mơ Rông sau sự kiện sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhưng vẫn còn đó bộn bề câu hỏi làm những người có trách nhiệm trăn trở. Bởi nói gì thì nói, vốn vẫn là yếu tố quyết định, mà sâm Ngọc Linh thì “quý tộc” lắm, chỉ mầm giống bé tý thôi, đã có giá 100 ngàn đồng; chưa kể ngày tháng chăm bẵm, bảo vệ dài đằng đẵng...

Vì vậy không bất ngờ khi Phó Chủ tịch huyện Vương Văn Mười chia sẻ: Việc sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vừa là niềm tự hào đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm lớn hơn. Cần có những giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để mở rộng diện tích, trồng sâm Ngọc Linh với quy mô lớn, nhưng không bị mất đi nguồn gốc địa lý, tính đặc thù về chất lượng sản phẩm và tên gọi xuất xứ, đảm bảo sâm củ Ngọc Linh là hàng hóa chiến lược của Việt Nam nói chung và cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh nói riêng.

Anh Nguyễn Văn Đang - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cũng bộc bạch: Phải nói rằng, người dân trong xã rất muốn tham gia trồng sâm Ngọc Linh, nhưng vốn đầu tư lớn là rào cản lớn nhất, cũng vì vậy mà cho đến nay cả xã mới có 1,5ha sâm của người dân. Chính quyền và nhân dân xã mong muốn được nhà nước có các chính sách, dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh tại địa bàn, nhất là hỗ trợ vốn mua sâm giống...

Đêm cuối tuần, khu trung tâm huyện Tu Mơ Rông se lạnh, vắng bóng người, quán xá đóng cửa từ chiều, nghỉ ngơi theo những chuyến xe xuôi về Đăk Tô của cán bộ, công chức huyện. Có cảm giác thời gian ở đây trôi đi rất chậm. Từ trên chốt sâm làng Kô Xia, Bí thư Đảng ủy xã A Đình Chung gọi điện thoại về khoe đã cơ bản hoàn tất việc khảo sát, chọn địa điểm để “gom” các hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh về một khu rừng, vừa khắc phục tình trạng phân tán, manh mún, vừa dễ bảo vệ, quản lý diện tích cũng như chất lượng sản phẩm. Xã quyết tâm sang đầu năm 2017 sẽ triển khai thực hiện. Dù việc này cần vốn lớn, nhưng sẽ gỡ dần dần. Bây giờ có chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ rồi, cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm cho xứng đáng chứ.

Và tôi nghe A Đình Chung cười sảng khoái trong tiếng gió núi ầm ào và tiếng con suối Nước Nao gầm gừ giữa đại ngàn...

Lê Hải

Chuyên mục khác