04/12/2016 18:12
Thay rẫy mỳ bằng rẫy cà phê
Sau 3 năm, tôi mới có dịp về lại làng Long Rủa (xã Măng Bút). Bước chân trên con đường làng với quanh co đồi dốc, có đoạn vẫn còn đường đất nhưng có những đoạn đã được bê tông hóa và tất cả đã được mở rộng hơn, tôi cảm nhận được những đổi thay đã về với vùng đất này. Và, điều làm cho tôi bất ngờ nhất là sự đổi thay trong hướng sản xuất của người dân nơi đây. Bởi, ở vùng đất này, trước đây người dân chỉ trồng lúa, trồng mỳ; vậy mà, bây giờ thay vào đó là những vườn cà phê xanh thẫm, mơn mởn ở triền đồi…
Đứng trước 3 sào cà phê chè xanh tốt của gia đình bà Y Phươn (thôn Long Rủa), Phó Chủ tịch xã A Dân giới thiệu: Năm 2014, được chính quyền địa phương vận động, bà Y Phươn đã đăng ký trồng 3 sào cà phê chè. Nhờ được địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ phân bón cho cây trồng, vườn cây của gia đình bà đã nhanh chóng phát triển xanh tốt. Năm 2015, gia đình bà Y Phươn tiếp tục đăng ký để được hỗ trợ giống, phân bón chuyển đổi thêm 2 sào đất đang trồng mỳ sang trồng cà phê với mong muốn sớm thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
|
Từ 3 sào cà phê trồng thời gian đầu, năm nay gia đình bà Y Phươn đã bước vào vụ thu bói. Vườn cà phê cho năng suất 4 tạ/sào.
Bà Y Phươn phấn khởi cho chúng tôi biết: “Mấy năm trước, diện tích đất này gia đình tôi chỉ biết trồng mỳ 2 năm, mùa vụ thu hoạch bán ra cao nhất cũng chỉ được 800.00 đồng, có thời điểm chẳng có người thu mua nên chỉ biết để dành nấu rượu ghè. Năm nay, vườn cà phê cho thu nhập 7 triệu đồng, gia đình vui lắm. Vợ chồng tôi dự tính dùng số tiền này để tiếp tục đầu tư phân bón cho vườn cà phê, số tiền còn lại sử dụng mua tôn để sửa chữa mái nhà bị dột từ lâu nhưng chưa có điều kiện…”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cây cà phê cho người dân chính từ kết quả mô hình trồng cà phê của gia đình bố mẹ mình nên mới đây vợ chồng Y Diên- con gái của bà Y Phươn, cũng đã đăng ký với xã xin được hỗ trợ chuyển đổi 2 sào đất trồng mỳ sang trồng cà phê chè.
Kế bên vườn cà phê của gia đình bà Y Phươn là vườn cà phê không kém phần xanh tốt của anh A Sâm (ở cùng thôn Long Rủa) cũng được hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh từ năm 2014. Anh A Sâm cho biết, anh rất vui mừng vì 3 sào cà phê của gia đình năm nay bắt đầu cho thu bói, đạt 3,9 tạ/sào, bán ra được 6 triệu đồng.
'Năm 2006, vợ chồng cưới nhau rồi ra riêng lập nghiệp. Ngoài mấy sào ruộng và mấy sào mỳ đã bạc màu, 2 vợ chồng không biết trồng thêm cây gì, cũng không dám vay vốn để phát triển chăn nuôi, vì sợ không hiệu quả. Cho đến khi được hỗ trợ trồng cà phê chè, vợ chồng anh mừng lắm. Dù 3 sào cà phê chưa thể giúp thoát nghèo nhưng đã định hướng cho gia đình có được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” – anh A Sâm chia sẻ.
Thấy bà con trong vùng chuyển đổi trồng cà phê, với mong muốn vươn lên làm giàu, năm 2014, ông A Lễ ở cùng thôn Long Rủa đã bỏ công sức phục hóa 1 sào đất, mua giống cà phê chè về trồng thử nghiệm (do không thuộc đối tượng hỗ trợ). Bên cạnh học theo cách làm của các hộ dân đã được Đề án hỗ trợ, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông A Lễ còn nghĩ cách dùng rơm phủ quanh gốc cà phê vừa giữ ẩm cho cây trồng, vừa bổ sung nguồn phân bón hữu cơ để vườn cây phát triển hơn. Năm 2015, ông tiếp tục chuyển đổi 2 sào đất trồng mỳ bạc màu sang trồng cà phê.
Năm nay, 1 sào cà phê chè của gia đình ông A Lễ cho thu bói được hơn 4 tạ/sào, bán ra được hơn 3 triệu đồng. Ông A Lễ cho biết, so với cây lúa, cây mỳ, cây cà phê cho giá trị kinh tế rất cao lại phù hợp với điều kiện khí hậu vùng nên sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cà phê.
Cây trồng chủ lực
Anh A Dân – Phó Chủ tịch xã Măng Bút cho biết, từ ngày Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh triển khai trên địa bàn, cùng với việc hướng dẫn xây dựng các mô hình điểm đã giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nhân dân trên địa bàn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn.
|
Nếu như năm 2014, khi mới triển khai Đề án, xã Măng Bút mới chỉ có 14 hộ gia đình ở 2 thôn Măng Bút và Long Rủa đăng ký trồng với diện tích 5 ha (thôn Măng Bút 9 hộ/3,2 ha, thôn Long Rủa 5 hộ/1,8 ha), thì bước sang năm 2015, xã đã có thêm 22 hộ nghèo ở 4 thôn trên địa bàn tiếp tục đăng ký trồng với diện tích tăng thêm là 6,05 ha (thôn Long Rủa có thêm 6 hộ đăng ký trồng mới với diện tích 1,45 ha, thôn Măng Bút có thêm 8 hộ đăng ký trồng với diện tích 2,3 ha, thôn Tu Nông có 6 hộ đăng ký trồng mới với diện tích 1,3 ha, thôn Đăk Pleng có 2 hộ đăng ký với tổng diện tích 1 ha).
Đến năm 2016, cây cà phê chè càng phủ xanh hơn các triền đồi ở Măng Bút khi cả xã có thêm 45 hộ của 6 thôn trên địa bàn tham gia Đề án với tổng diện tích tăng thêm gần 11 ha.
Thấy được lợi ích kinh tế mang lại từ việc trồng cà phê, trong 3 năm qua, nhiều hộ gia đình ở xã Măng Bút (những hộ không thuộc đối tượng hỗ trợ của Đề án) cũng đã chuyển đổi gần 32 ha diện tích đất trồng mỳ bạc màu sang trồng cà phê chè. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện mở 6 lớp tập huấn hướng dẫn cách thức trồng cà phê xứ lạnh cho các hộ dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch xã A Dân cho biết thêm, cây cà phê chè được Măng Bút xác định là cây trồng chủ lực giúp giảm nghèo bền vững của địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang định hướng bà con phát triển thêm mô hình trồng sâm dây, sâm đương quy, chăn nuôi heo, trâu; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Măng Bút đến năm 2020 xuống còn 50% (tỉ lệ hộ nghèo hiện tại là 73%).
Tú Quyên