Chống lãng phí đất đai

05/11/2024 13:25

Phát biểu thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) chiều 26/10 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết rất bức xúc và có nhiều người bức xúc về tình trạng lãng phí hiện nay.

Những vấn đề nhìn thấy được, có những mảnh đất vàng, ra bao nhiêu tiền nhưng tại sao đứng yên, chục năm rồi vẫn thấy cỏ mọc ở đấy- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Có thể nói, tình trạng lãng phí trong sử dụng đất luôn là vấn đề “nóng”, được người dân quan tâm trong nhiều năm qua. Đất dự án để hoang vì chậm đưa vào sử dụng không chỉ là sự lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân vùng dự án.

Vì nếu như dự án được triển khai nhanh, kịp thời không chỉ đưa đất vào sản xuất có hiệu quả mà tạo ra sự thay đổi về hạ tầng; đem lại việc làm, thu nhập cho người dân; tăng thu ngân sách.

Ở tỉnh ta, trong thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật đất đai còn nhiều.

Trong đó nổi lên tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, làm lãng phí tài nguyên đất, gây bức xúc trong dư luận.

Tình trạng lãng phí đất đai vẫn còn diễn ra. Ảnh: H.L

 

Như tại huyện Đăk Hà, theo thống kê đến đầu năm 2024, địa phương có 10 vị trí đất đẹp được tỉnh cho thuê, sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp nhưng nhiều năm qua chủ đất không có nhu cầu sử dụng.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV cà phê 731 có một sân phơi rộng khoảng 4ha, nằm ở khu vực quy hoạch khu dân cư tại tổ dân phố 2A, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) bỏ hoang, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Hay như ở huyện Kon Plông, qua thanh tra, cơ quan chức năng đã chỉ ra loạt dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.

Thậm chí, loạt dự án trong tình trạng đất để hoang hóa kéo dài. Công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều, phổ biến 1-2 năm, và cá biệt có những dự án sau hàng chục năm từ ngày bàn giao đến nay vẫn bị bỏ hoang.

Để khắc phục tình trạng trên, trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết xử lý các dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, tiến độ sử dụng đất chậm so với tiến độ trong dự án đầu tư hoặc có dấu hiệu vi phạm .

Từ tháng  4/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố quyết định thanh tra tại 7 tổ chức, doanh nghiệp được thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng.

Ngay lập tức, quyết định này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, bởi cho thấy quyết tâm khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, gây bức xúc trong dư luận.

Và trong thời gian qua, đã có nhiều dự án, doanh nghiệp chậm trễ hoặc không đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đã bị thu hồi đất, như thu hồi diện tích đất đã cho Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thuê tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông; hay thu hồi diện tích đất đã cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi thuê.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã và đang tiến hành kiểm tra loạt dự án có dấu hiệu không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, tỉnh luôn chào đón, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp nếu như chấp hành đúng các quy định hiện hành. Nhưng trên thực tế, có một số doanh nghiệp làm rất ì ạch hoặc không làm gì trên diện tích đất được giao hoặc được thuê, dù tỉnh đã gia hạn theo đúng quy định.

Thúc đẩy tiến độ các dự án để khắc phục tình trạng lãng phí đất công. Ảnh: H.L

 

Về nguyên tắc, trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn.

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Đất đai không chỉ là “tấc vàng” như dân gian vẫn nói, mà là một tài nguyên đặc biệt, một nguồn lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung. Vì vậy, cần tiếp tục xem việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai là một nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chống lãng phí tài nguyên đất đai, tỉnh cần tiếp tục rà soát, thống kê, tổng hợp về tình trạng thất thoát, lãng phí đất đai ỏ các địa phương, các dự án.

Tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý, sử dụng đất đai. Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án chậm tiến độ, dự án không đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Có cơ chế đánh thuế cao những doanh nghiệp chây ì, không chịu đầu tư theo đúng kế hoạch, để dự án “treo”.

Đặc biệt là xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: Phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? Doanh nghiệp hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì Nhà nước thu lại theo quy định.

Hồng Lam

Chuyên mục khác