Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

05/09/2024 06:39

Theo thống kê, tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện đạt gần 8.000ha, khá khiêm tốn so với hơn 180.000ha cây trồng các loại của tỉnh. Vì vậy, để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số.

Sự cần thiết của chuyển đổi số nông nghiệp

Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh- Viện trưởng Viện nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam), điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, nước, cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng của cây, dịch bệnh. Từ đó, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp, giảm được chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm nguồn nước và tăng năng suất cây trồng, giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Du khách tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông). Ảnh: P.L

 

“Từ thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp có thể giảm được khoảng 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản, vệ sinh - an toàn thực phẩm để yên tâm sử dụng”- Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh phân tích.

Ông Phạm Ngọc Lâm- chủ Mê Kông Farm, huyện Kon Plông, cho biết, khu vườn trồng rau, hoa xứ lạnh rộng 4.000m2 của vườn được ứng dụng số trong hệ thống tưới tiêu. Toàn bộ hệ thống tưới được lập trình tự động, khi đến thời gian cụ thể được định sẵn, hệ thống sẽ kích hoạt bơm nước và tưới cho toàn bộ khu vườn.

“Khi ứng dụng số vào sản xuất, tôi nhận thấy lợi nhuận tăng khoảng 30% so với không ứng dụng. Khi ứng dụng số, tôi sẽ giảm được chi phí nhân công. Bên cạnh đó, sẽ tiết kiệm được khoảng 60% lượng nước, phân bón hòa vào nước cũng sẽ tưới cho cây đều hơn, chất lượng nông sản cũng tăng lên”- ông Lâm nói.

Dù việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp, song việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đang gặp khó khăn. Điều đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp và các ngành khác có liên quan đến nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh có xuất phát điểm với điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất so với cả nước và khu vực Tây Nguyên; còn nhiều thách thức khi tiếp cận ứng dụng công nghệ số và khi Việt Nam thực thi nhiều cam kết quốc tế liên quan đến ngành nông nghiệp. Vì vậy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Còn theo ông Đặng Thanh Long- Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh cho biết, hiện nay, việc ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp. Hạ tầng công nghệ số còn lạc hậu, chi phí cao, gây khó khăn trong việc tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Hiện chỉ có 10% hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

Cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng số

Ông Phạm Văn Quân- Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh việc thống nhất một giải pháp để đồng bộ hóa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Kon Tum cần thực hiện 6 nhóm giải pháp căn bản là truy xuất nguồn gốc; thu thập, phân tích dữ liệu; tự động hóa trong nông nghiệp; quản lý thông tin trong quá trình vận chuyển và lưu kho; bán hàng đa kênh; cung cấp thông tin, kết nối người bán – người mua.

Tuy nhiên, cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Tố Như- Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết, thời gian tới, trường sẽ mở ngành Thương mại điện tử, đóng góp thêm cho khu vực và phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PL

 

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện đưa môn khởi nghiệp vào giảng dạy; kết hợp sinh viên ngành công nghệ thông tin với các sinh viên ngành khác, nhất là các ngành liên quan đến nông nghiệp để đẩy mạnh chuyển đổi số.

“Chúng tôi xác định nông nghiệp là yếu tố then chốt, sẽ hợp tác với các trang trại nông nghiệp thông minh để đưa sinh viên đến thực tập; tăng cường các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện các nghiên cứu khoa học về chuyển đổi số và phục vụ cộng đồng. Tỉnh cũng cần có sự hướng nghiệp cho các em học sinh THPT, vì khảo sát của chúng tôi nhận thấy chỉ có khoảng 2% học sinh có nhu cầu tìm hiểu và học đến lĩnh vực nông nghiệp”- Tiến sĩ Nguyễn Tố Như chia sẻ.

Ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh tính tất yếu và hiệu quả của ứng dụng công nghệ số trong kinh tế nông nghiệp hướng tới xây dựng nông thôn thông minh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là xu thế trong xu thế phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cách mạng 4.0.

“Để làm rõ những khó khăn, thách thức và đẩy mạnh ứng dụng số vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, Liên hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan làm rõ các thách thức như biến động giá cả nguyên liệu đầu vào, người tiêu dùng thay đổi hình thức mua sản phẩm hay ngành nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nhân lực thủ công. Bên cạnh đó, đề nghị mỗi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ứng dụng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt phải xây dựng hạ tầng số và nền tảng dữ liệu số”- ông Đặng Thanh Long cho biết thêm.

Phù Lưu

Chuyên mục khác